Sau hàng loạt đường dây hoa hậu, người đẹp bán dâm với giá hàng ngàn đô bị công an triệt phá, mức xử lý chỉ dừng lại ở xử lý hành chính đối với người mua dâm và bán dâm, có quan điểm cho rằng còn nhiều bất cập trong quy định về phòng chống mại dâm.
“Không thể nói mua dâm nhiều tiền thì phải nêu tên” (Ảnh minh họa: The Sun) |
Dư luận hẳn muốn biết đại gia nào có thể vung tay hơn nửa tỷ đồng để “mua vui” với người đẹp như vậy. Có quan điểm cho rằng việc ném cả núi tiền qua cửa sổ như vậy nhất định không phải từ nguồn thu chính đáng, vì thế không thể vin vào lý do nhân văn mà giữ kín danh tính, như vậy sẽ vô hiệu hóa việc phòng chống mại dâm. Cần phân biệt và cá thể hóa các hành vi vi phạm cùng với quy định hình phạt, trong đó có cân nhắc đến yếu tố công khai danh tính thì mới tăng được hiệu quả phòng chống.
Luật sư Nguyễn An (Hãng luật Cộng Đồng, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng không thể căn cứ vào số tiền mua dâm để công khai danh tính người mua dâm. Việc nào ra việc đó, nếu nghi ngờ số tiền người ta bỏ ra mua dâm là tiền không chính đáng, giả dụ tiền do tham nhũng mà có thì đã có pháp luật về chống tham nhũng để xử lý.
Còn luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự) cho rằng, hành vi mua bán dâm được cấu thành từ hình thức. Nghĩa là tại thời điểm thỏa thuận giao kết mua bán đã hình thành hành vi vi phạm. Do vậy, việc mua bán dâm có giá trị lớn sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng để áp dụng hình thức xử phạt nặng hơn hoặc các chế tài nghiêm khắc khác, trong đó có việc công khai danh tính người mua dâm.
“Không thể nói mua dâm nhiều tiền thì phải nêu tên mà ít tiền thì không. Thực tế, cán bộ công chức, đảng viên nếu mua dâm, ngoài việc bị xử lý hành chính về hành vi mua dâm, họ còn bị xử lý tiếp ở nơi làm việc. Hành vi mua bán dâm bị coi là tệ nạn, nên giải pháp quan trọng nhất vẫn là quản lý giáo dục”, luật sư Ngọc phân tích.
Luật sư Hoàng Ngọc nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự năm 2015 không xem hành vi mua dâm là tội phạm, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm. Bên cạnh đó, việc công khai tên người mua bán dâm là trái với quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, bởi luật chỉ quy định phạt tiền, không có quy định công khai danh tính. Việc công khai danh tính của người mua dâm còn vi phạm Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hoàng Ngọc, hành vi mua bán dâm bị coi là hành vi vi phạm bị xử lý hành chính và được quy định chung trong một số hành vi vi phạm hành chính khác, nên cho dù có muốn nâng mức xử phạt đối với hành vi mua bán dâm lên cũng còn nhiều vướng mắc./.
Diễn biến mới vụ điều tra đường dây mại dâm hàng ngàn đô
2 đường dây mại dâm toàn Á hậu, hoa khôi đi khách giá hàng ngàn đô