Bạn đọc hỏi: Tôi có cho một người bạn vay 1 tỷ để làm ăn cách đây 2 năm. Đến nay người bạn tôi làm ăn thua lỗ và đã trốn khỏi nơi cư trú. Xin luật sư tư vấn làm thế nào để tôi lấy lại được khoản tiền này?

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn cho một người bạn vay 1 tỷ để làm ăn cách đây 2 năm. Đến nay người đó làm ăn thua lỗ và đã trốn khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên bạn không nêu rõ việc bạn cho vay có lập thành văn bản không? Bên vay có tài sản bảo đảm không? Thời hạn vay là bao lâu, tính đến thời điểm hiện tại quá thời hạn vay chưa? Và sau khi người đó bỏ trốn khỏi nôi cư trú bạn đã liên lạc với người đó để đòi nợ chưa? Do vậy, chúng tôi chia ra hai trường hợp sau:

1. Hợp đồng vay tiền giữa hai bên là hợp đồng vay không kỳ hạn:  theo quy định tại 469 Bộ luật Dân sự 2015, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 Nếu hết thời hạn thông báo mà bên vay vẫn cố tình không trả thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.

2. Hợp đồng vay tiền giữa hai bên là hợp đồng có kỳ hạn: Theo quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015, bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn nếu được bên vay đồng ý. Nếu quá kỳ hạn mà bên vay không trả, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.

 Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú/ thường trú của bạn của bạn để yêu cầu giải quyết. Trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc  của người đó thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nơi bạn của bạn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bạn của bạn có tài sản giải quyết  theo quy tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.

Nếu là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho bạn thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại.

 Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.