Trong hàng trăm bức thư của phạm nhân đang thi hành án tại trại tạm giam số 2 (Công an TP Hà Nội) gửi về gia đình và gia đình nạn nhân, nhiều bức thư khiến người đọc không khỏi rơi lệ. Bởi chất chứa trong những bức thư, đầu tiên là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, gia đình, là những ám ảnh về tội lỗi, sự ăn năn, hối hận và muốn làm lại cuộc đời…

hoi_han1_wkyc.jpgThư của các phạm nhân gửi về gia đình

“Con sẽ sớm về để làm lại cuộc đời”

Khi nghe phạm nhân Nguyễn Thành Vinh (trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội) đọc bức thư gửi về cho gia đình, chúng tôi không kìm được sự xúc động. Vì phút nông nổi của tuổi trẻ, Vinh đã chôn vùi chính tuổi trẻ của mình sau cánh cửa buồng giam. Với bản án 48 tháng tù giam do cố ý gây thương tích cho người khác, Vinh đã thấm thía và nếm trải sự dằn vặt, hối hận từng đêm, từng đêm...

Hai năm cải tạo vừa qua, giống như bao phạm nhân khác đang thi hành án tại trại tạm giam số 2 (Công an TP Hà Nội), Vinh muốn làm lại cuộc đời. Khi được giám thị trại tạm giam đưa giấy viết thư, Vinh thao thức và viết đặc kín 2 trang A4 chữ gửi về cho mẹ, cùng người thân. Trong thư, Vinh day dứt về lỗi lầm của mình và càng ân hận hơn khi ngày bố mất mà không thể có mặt.

“Mẹ ơi, hôm nay là được hơn 3 tuần ngày bố mất, ở trong này không ngày nào con không dằn vặt về điều đó. Phút bồng bột của con đã bắt con phải trả một cái giá quá đắt phải không mẹ? khi nghe được tin bố mất, con hoang mang, con không tin vào điều đó. Ngay lúc ấy, con đã ngã khuỵ, không biết rằng trong cuộc đời của con còn điều gì đau đớn hơn thế nữa. Vậy là con đã mắc phải cái tội lớn nhất của đời người, đó là tội bất hiếu. Là con trai duy nhất của bố mẹ nhưng ngày bố mất, đứa con bất hiếu này không thể thắp một nén nhang cho bố, không có mặt để nhìn bố lần cuối, không thể nghe bố dặn dò. Điều đó làm con đau đớn lắm mẹ ạ”.

Một bức thư của phạm nhân

Điều phạm nhân này mong muốn nhất là được người bố quá cố tha thứ cho tội bất hiếu. Nhưng chắc hẳn Vinh sẽ không phải cầu xin, bởi với cha mẹ, con cái dù có lỗi lầm bao nhiêu thì vẫn là những đứa con bé nhỏ, thơ dại. Trong thư Vinh chỉ mong một điều: "nhận được thư này của con, mẹ thắp cho con một nén nhang lên bàn thờ bố, đứa con bất hiếu, tội lỗi này xin dập đầu ngàn lần tạ tội với bố, xin bố ở dưới suối vàng hãy tha thứ cho con”.

Mang bản án 48 tháng tù giam vì "cố ý gây thương tích", có lẽ Vinh đã "ngộ" ra nhiều điều. Trong bức thư gửi về cho mẹ, Vinh bày tỏ về tương lai, về cuộc sống và trách nhiệm của bản thân sau khi mãn hạn tù. Một phạm nhân cho dù có ngang tàng đến mấy cũng phải có giây phút hướng thiện, có phút rơi nước mắt khi nghĩ tới những người thân yêu. Chúng tôi cảm nhận được điều đó trong ánh mắt của phạm nhân Nguyễn Thành Vinh (Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội). Nhắc đến mẹ của mình Vinh lại khóc và không thể đọc tiếp bức thư:

“Thời gian qua là cuộc chiến khốc liệt nhất của mẹ, phải không mẹ? Mẹ vừa phải song hành cùng bố chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, vừa phải chăm lo và suy nghĩ cho đứa con trai tù tội này. Có người mẹ nào vất vả, đau khổ hơn thế nữa. Chỉ nghĩ về điều đó thôi mà bao đêm con không ngừng khóc. Cả thời gian vừa rồi là khoảng thời gian nặng nề và dài vô tận đối với con. Con trăn trở và hối hận vô cùng mẹ ạ. Con tưởng con sẽ gục ngã. Vì con là con mà lại mang trên mình cái tội bất hiếu. Và một phút nóng nẩy của con đã bắt gia đình và những người thân yêu của con phải gánh chịu”.

Nếu nghĩ được những điều này sớm hơn, có lẽ Vinh đã không phải nhận một bản án thích đáng của pháp luật. Và rồi cũng chẳng phải hối tiếc vì những điều mình đã gây ra. Nhưng cuộc đời này làm gì có chữ "nếu". Một ước muốn không quá muộn để Nguyễn Thành Vinh làm lại cuộc đời như trong thư anh gửi mẹ:  “Khi con đang chìm trong sự dằn vặt và đau khổ, tự trách bản thân mình thì sự động viên và phân tích của cán bộ đã giúp con hiểu được điều lớn lao rằng: để trở thành một người con tốt, có ý nghĩa thì sai lầm và nỗi đau chính là phép thử để con người ta nhìn nhận rõ nhất ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống, mà để làm được điều đó con xác định tư tưởng cải tạo tốt, ăn năn hối cải tham gia lao động, học tập tiến bộ, nếu có thể chuộc được lại lỗi lầm đó, con tin rằng con sẽ làm được”…

“Tai nạn thương tâm và bức thư hối lỗi”

Trong bức thư gửi tới các gia đình nạn nhân, thư của phạm nhân Đàm Xuân Thuỷ cũng khiến người ta phải nghẹn lòng. Sau khi gây ra tai nạn khiến anh Hà bị tử vong, Thuỷ phải đứng trước vành móng ngựa. Phạm nhân này có hoàn cảnh khó khăn, mẹ già, con mới được 5 tháng tuổi. Nhưng điều Đàm Xuân Thuỷ day dứt nhất chính là chưa được một lần gặp lại chị Lan (vợ anh Hà) để nói lời xin lỗi.

Khi được phát giấy viết thư, Thuỷ chỉ nghĩ tới việc viết và gửi tới gia đình chị Lan, hy vọng nhận được sự cảm thông từ gia đình. Trong bức thư dài gần 2 trang A4, Đàm Xuân Thuỷ xúc động viết:  “Hôm toà xét xử em đứng trước vành móng ngựa nghe sự phán xét của pháp luật và em có xin quý toà cho em quay lại nói lời chia buồn và xin lỗi gia đình chị nhưng em ngơ ngác nhìn không thấy chị. Em chỉ thấy mẹ chồng chị và cháu nhỏ.  Phiên toà diễn ra trong nỗi buồn tê tái. Một bên người mất, còn một bên đối diện với với bản án toà tuyên”.

Sau vụ tai nạn, Đàm Xuân Thuỷ bị tuyên phạt 42 tháng tù giam. Những ngày tháng cải tạo, Đàm Xuân Thuỷ không thể nào quên được ngày gây ra tại nạn dẫn đến cái chết thương tâm của anh Hà, còn vợ anh Hà bị thương nặng nhưng may mắn sống sót. Giờ đây, trong thời gian cải tạo, phạm nhân này chỉ mong nhận được sự tha thứ của gia đình nạn nhân để lòng thanh thản. Trong thư gửi đi, Đàm Xuân Thuỷ rất ân hận bởi những điều mình gây ra: “Chị ạ, nước mắt đã rơi thì không thể lấy lại được, còn người đã mất thì không được phục sinh. Qua thư em chỉ biết nói lời xin lỗi tới gia đình chị cho lòng em thanh thản trong những ngày cải tạo. Sau này trở về xã hội em sẽ xuống thăm gia đình và những việc toà tuyên em hứa sẽ thực hiện với gia đình chị. Tuy có muộn nhưng em mong gia đình chị và các cháu giữ gìn sức khoẻ”.

Lá thư này cùng hàng trăm bức thư khác của phạm nhân đang thi hành án tại trại tạm giam số 2 (Công an TP Hà Nội) đang chuẩn bị được chuyển tới tay người nhận. Chắc chắn, người mẹ của Vinh sẽ hiểu và hy vọng, đợi chờ ngày đứa con trai tội lỗi của mình trở về làm lại cuộc đời. Việc mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình khiến chị Lan chưa thể nguôi ngoai, nhưng có lẽ chị sẽ mở lòng vị tha để tha thứ cho nỗi đau mà Đàm Xuân Thuỷ gây ra. Ông cha ta thường nói, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại, chính vì thế, sự ăn năn hối cải và chú tâm cải tạo là con đường ngắn nhất giúp những phạm nhân sớm được về với gia đình. Bởi sự hối hận không bao giờ là muộn màng…/.