Theo quyết định của Chủ tịch nước, đợt đặc xá tha tù trước thời hạn năm 2022 sẽ diễn ra vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Kể từ năm 2009 đến nay, Nhà nước đã tiến hành 8 lần đặc xá với trên 90.000 phạm nhân. Qua thực tiễn cho thấy, tỷ lệ tái phạm tội là rất nhỏ, chỉ chiếm 1,18%.
Điều mà dư luận quan tâm nhất mỗi dịp đặc xá là tính minh bạch, công khai, công bằng, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thiếu tướng Hoàng Xuân Du – Cục Phó Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10- Bộ Công an) khẳng định, việc xem xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ. Hồ sơ đề nghị đặc xá trải qua quá trình kiểm tra, thẩm định của nhiều cấp, với sự tham gia của các ban ngành chức năng, đặc biệt là sự giám sát của VKS cũng như của các tổ chức, nhân dân.
Hồ sơ đề nghị đặc xá có sự giám sát của Viện Kiểm sát
PV: Theo quyết định của Chủ tịch nước, đợt đặc xá tha tù trước thời hạn năm 2022 sẽ diễn ra vào dịp Quốc khánh năm nay, ông có thể cho biết quá trình triển khai thực hiện quyết định của Chủ tịch nước như thế nào để công tác đặc xá năm 2022 đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, chặt chẽ, công bằng và không để xảy ra tiêu cực?
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du: Sau khi Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022 được công bố trên các phương tiện thông tin đại chính, các trại giam, trại tạm gian, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã nhận bản sao và tổ chức niêm yết công khai Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Đồng thời, phổ biến, quán triệt trên các phương tiện truyền thông của trại giam cũng như từng phạm nhân. Sau đó, phạm nhân đọc và tự liên hệ với bản thân, xem mình có đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá hay không.
Tiếp đó, các đơn vị đã tổ chức cho phạm nhân có đủ điều kiện đặc xá, viết đơn đề nghị đặc xá và viết bản cam kết “nếu được đặc xá phải thực hiện các quy định của pháp luật, cũng như quy định nơi cư trú”. Cam kết thực hiện những phần còn lại của bản án.
Cán bộ quản giáo tổ chức họp tổ, đội phạm nhân để bình xét, bỏ phiếu kín giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện.
Sau khi bỏ phiếu kín, quản giáo sẽ tổng hợp lại kết quả, phối hợp đội nghiệp vụ lập hồ sơ. Từ đó, báo cáo với Hội đồng xét đề nghị đặc xá của Trại giam, cơ quan thi hành án hình sự trại giam, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện. Các đơn vị này sẽ nghiên cứu, xét duyệt, lập danh sách hồ sơ của người có đủ điều kiện có thể được đề nghị đặc xá, trình các tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng Tư vấn đặc xá.
Hội đồng Tư vấn đặc xá quyết định thành lập các Tổ thẩm định liên ngành và có rất nhiều chuyên viên của bộ, ngành tham gia vào tổ này. Tổ này sẽ đến trực tiếp các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh để trực tiếp kiểm tra, thẩm định từng hồ sơ. Sau khi kiểm tra, thẩm định xong, nếu thấy phạm nhân có đủ điều kiện để đề nghị đặc xá sẽ tổng hợp thành danh sách báo cáo về Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá. Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm tổng hợp các hồ sơ từ tổ thẩm định gửi về.
Thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ tổ chức nghiên cứu, kiểm tra hồ sơ. Sau khi kiểm tra xong chuyển về cho thường trực tổng hợp, báo cáo danh sách hồ sơ đủ điều kiện và không đủ. Sau đó, Hội đồng sẽ có phiên họp để kiểm tra lại và quyết định danh sách người đủ điều kiện đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Danh sách phạm nhân được đề nghị đặc xá sẽ được các trại giam, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện niêm yết công khai tại các buồng giam, nhà thăm gặp để phạm nhân, gia đình phạm nhân biết. Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc xem xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, đúng điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước. Hồ sơ đề nghị đặc xá trải qua quá trình kiểm tra, thẩm định của nhiều cấp, với sự tham gia ban ngành chức năng, đặc biệt là sự giám sát của VKS cũng như của các tổ chức, nhân dân. Hạn chế thấp nhất việc xảy ra sót lọt và tiêu cực.
Không đề nghị đặc xá tất cả các trường hợp hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
PV: Đặc xá là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Xin Thiếu tướng cho biết, so với những lần đặc xá trước đây, đặc xá lần này có gì mới?
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du: Năm 2021-2022 là hai năm liên tiếp Chủ tịch nước quyết định đặc xá. So với những lần đặc xá trước đây, đặc biệt so với năm 2021có nhiều điểm mới.
Ví dụ, về đối tượng có bổ sung thêm một trường hợp ưu tiên là Nghệ nhân nhân dân.
Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá, so với đặc xá năm 2021, Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022 bổ sung thêm một số trường hợp không được đề nghị đặc xá gồm:
Ngoài các trường hợp phạm tội giết người có tổ chức, hoặc có tính chất côn đồ thì trường hợp phạm tội giết người với hành vi thực hiện phạm tội một cách man rợ cũng không được đề nghị đặc xá.
Đặc xá năm 2021 chỉ quy định những trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân hoặc hiếp dâm người dưới 10 tuổi thì không được đề nghị đặc xá.
Nhưng đặc xá năm 2022 quy định tất cả các trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em (theo bộ luật Hình sự năm 2015- sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi đều không được đề nghị đặc xá.
Đặc xá năm 2021 chỉ quy định những phạm nhân đã từng bị kết án phạt tù, kể cả trường hợp đã được xóa án tích hoặc từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây mà đã phạm tội: Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (theo Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, hoặc đánh tráo người dưới 1 tuổi, hoặc chiếm đoạt người dưới 16 tuổi đều không được đặc xá…
Về thuận lợi, năm 2021chúng ta thực hiện lần đầu tiên Luật Đặc xá năm 2018, năm 2022 lần thứ 2. Luật đã quy định cụ thể so với Luật năm 2007. Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật 2007, Luật 2018 giải quyết triệt để hơn.
Một thuận lợi nữa, chúng ta thực hiện 2 năm liên tiếp, việc thực hiện quy trình, nề nếp hơn.
Ví dụ, năm 2021 chúng ta thực hiện đặc xá trong bối cảnh tình hình COVID-19 hết sức phức tạp, việc triển khai thực hiện của Chủ tịch nước hết sức khó khăn. Nhưng năm 2022 chúng ta thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo thuận lợi cho người dân khi đi xin văn bản, giấy tờ chứng từ chứng thực bổ sung cho người thân của họ.
Cùng với đó, sự chỉ đạo của các cơ quan liên quan, đặc biệt Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá năm nay, các văn bản chỉ đạo kịp thời. Thủ tướng Chỉnh phủ có công điện ngay sau khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và có quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá. Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các Bộ, Ban ngành nhất là Bộ Công an triển khai.
Các văn bản này chỉ đạo đến cấp tỉnh, chính quyền các cấp có liên quan. Về phía Bộ Công an, là cơ quan thường trực nên phải tham mưu rất nhiều văn bản như VKS, Tòa án, Uỷ ban MTTQ Việt Nam đều ban hành những văn bản hướng dẫn chỉ đạo rất kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, các trại giam, tạm giam, cơ quan thi hành án cấp tỉnh, huyện triển khai một cách đồng bộ.
33 trường hợp phạm tội về tham nhũng, kinh tế, chức vụ được đặc xá năm 2021
PV: Đối với phạm nhân phạm tội về tham nhũng, kinh tế, chức vụ thì điều kiện xét đặc xá như thế nào? Đợt đặc xá 2022 có bao nhiêu trường hợp nào thuộc diện này được xét duyệt, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du: Luật Đặc xá của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định của Chủ tịch nước về Đặc xá năm 2022 quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện đề nghị đặc xá, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần, địa vị xã hội…Do vậy, tất cả các trường hợp đủ điều kiện đều được xem xét đề nghị đặc xá.
Một trong những nguyên tắc thực hiện đặc xá là phải tuân thủ Hiếp pháp và pháp luật, đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.
Do đó, tất cả những người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng nếu đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí, bồi thường thiệt hại, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, nghĩa vụ dân sự khác và có đủ các điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022 thì cũng được xem xét, đề nghị đặc xá như những người bị kết án phạt tù về các tội phạm khác.
Đợt đặc xá lần này chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục làm. Cho đến giờ này chưa thể cung cấp cho báo chí và người dân số lượng bao nhiêu phạm nhân được giảm án. Đến khi có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, con số sẽ cụ thể.
Nhưng Đặc xá năm 2021 có 33 trường hợp phạm tội về tham nhũng, kinh tế, chức vụ được Chủ tịch nước quyết định đặc xá.
Trên 90.000 phạm nhân được đặc xá, chỉ có 1,18% tái phạm tội
PV: Một vấn đề rất được quan tâm là sau khi được đặc xá trở về, làm thế nào để phạm nhân có thể hòa nhập cộng đồng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Hoàng Xuân Du: Để giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản cho phạm nhân, giúp họ tài hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có kể hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc, từ năm 2009 đến nay, thực hiện Luật Đặc xá, Nhà nước đã thực hiện 8 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 90.000 phạm nhân.
Phần lớn những người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, hoàn lương, hướng thiện, có việc làm và thu nhập ổn định. Họ đã được giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân làm ăn phát đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã họi ở địa phương.
Tỷ lệ tái phạm tội là không đáng kể (khoảng 1,18%), qua theo dõi số người được đặc xá đã ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng chiếm tỉ lệ cao (trên 85%).
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.