Tại Hội thảo khoa học công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay, do Hội đồng Lý luận Bộ Công an tổ chức sáng 30/11, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, thời gian qua với sự lãnh đạo của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.

Đặc biệt, đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin cư dân trên cả nước, với hơn 98,7 triệu công dân được thu thập, “làm sạch” đồng bộ vào hệ thống và cấp mã định danh cho công dân trong toàn quốc; thu nhận gần 62 triệu hồ sơ cấp CCCD và hoàn thành in 50 triệu thẻ CCCD và chuyển công an địa phương.

Theo chia sẻ của Trung tướng Tô Văn Huệ, hai hệ thống được chính thức vận hành và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2021 đã góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm như tra cứu, xác minh và trả lời hàng nghìn trường hợp phục vụ công tác điều tra, thông tin đối tượng truy nã.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tiến hành rà soát, kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 4.554 đối tượng hoạt động lưu động do Cục Cảnh sát Hình sự (C02) cung cấp để phối hợp Công an địa phương nắm được nơi cư trú, di biến động của đối tượng phục vụ công tac quản lý và đấu tranh phòng chống tội phạm.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư tại các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phát hiện, làm rõ và phối hợp các đơn vị có liên quan bắt giữ các đối tượng sử dụng thủ đoạn lợi dụng xe luồng xanh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Căn cước công dân phục vụ phòng chống tội phạm còn một số khó khăn do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về các trường thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý xã hội và các yêu cầu nghiệp vụ. Việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu nghiệp vụ trong ngành công an với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an (V06).

Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ yếu chưa có hệ thống, chưa có số hóa để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc đã có hệ thống nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn và bảo mật thông tin để kết nối. Chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa công an cấp xã với các lực lượng nghiệp vụ để phối hợp theo dõi, quản lý, cập nhật thông tin về đối tượng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên dẫn đến hiện tượng sót lọt đối tượng, hiệu quả quản lý di biến động của đối tượng còn hạn chế./.