Cách đây ít ngày, Toyota Việt Nam (TMV) phát đi thông báo chương trình triệu hồi hơn 20.000 xe Toyota Vios và Yaris liên quan đến lỗi túi khí do Takata cung cấp.

Cụ thể, 18.138 xe Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 5/1/2009 - 29/12/2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng được sản xuất từ ngày 1/9/2009 - 31/8/2012 sẽ được Toyota Việt Nam (TMV) triệu hồi để kiểm tra, thay thế cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước do Takata cung cấp.

vios_2012_pfhj.jpg
Toyota Vios 2012 - mẫu xe thuộc diện triệu hồi lần này.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Toyota cho biết: “TMV tiến hành chương trình triệu hồi các xe Vios và Yaris có trang bị túi khí Takata lần này là dựa trên nghiên cứu và quyết định của Công ty Ô tô Toyota Nhật Bản. Trên các xe bị ảnh hưởng, chỉ có túi khí bên phía hành khách phía trước, do nhà cung cấp phụ tùng Takata cung cấp, sẽ được thay thế. Túi khí bên phía người lái không bị ảnh hưởng vì được cung cấp bởi nhà cung cấp phụ tùng khác, không phải do Takata cung cấp”.

Trước đó, cuối năm 2015, TMV cũng đã triển khai chương trình triệu hồi tương tự cho các xe Vios (2007-2008), Corolla nhập khẩu (2004-2005) có trang bị túi khí Takata. Các chương trình này hoàn toàn không liên quan đến một số ý kiến về việc túi khí trên xe Toyota không nổ trong một số vụ tai nạn giao thông gần đây.

TMV cũng khẳng định, các thông tin liên quan đến vấn đề túi khí không nổ trong một số vụ tai nạn cũng như việc nghi ngờ xe Toyota không trang bị túi khí mà một vài bài báo đăng tải gần đây là những thông tin không có cơ sở pháp lý và không được dựa trên bất cứ một kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào.

Theo TMV, trên các xe bị ảnh hưởng, chỉ có túi khí bên phía hành khách phía trước, do nhà cung cấp phụ tùng Takata cung cấp bị lỗi.
Lý giải về lỗi túi khí của các xe Vios và Yaris bị triệu hồi lần này, TMV cho biết, trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ. Trong trường hợp đó, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách trong một vụ tai nạn.

Cũng theo TMV, bơm khí là một phần cấu tạo nên cụm túi khí. Nó chứa tấm nhiên liệu dạng rắn bị đốt cháy trong trường hợp túi khí bị kích hoạt. Quá trình này giải phóng khí trơ làm bơm phồng túi khí. Trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, do cụm bơm khí có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.

Cho đến thời điểm hiện tại, TMV chưa nhận được bất kỳ một báo cáo nào liên quan đến việc khách hàng bị các mảnh vỡ của bơm khí văng vào người./.