Lốp xe xuống cấp

Các vấn đề của lốp xe có thể dẫn đến những tai nạn khó lường trên đường đi nhưng nhiều tài xế lại thường ngó lơ và ít khi để ý đến tình trạng lốp xe. Vào mùa hè, cùng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, nhiệt độ mặt đường cao và lực ma sát lớn khiến áp suất lốp tăng lên, có thể dẫn đến nổ lốp.

lop_xe.jpg

Vì vậy, bạn nên kiểm tra lốp xe thường xuyên, xem xét kĩ đường rãnh lốp hoặc hạn sử dụng được ghi trên thành lốp. Thêm vào đó, đừng để lốp xe được bơm quá căng hay quá xẹp bởi có thể độ bám đường của lốp xe bị giảm đi hoặc xảy ra tình trạng nổ lốp.

Nhiên liệu bị hao hụt

Nhiều người cho rằng xe sẽ hao hụt nhiên liệu nhiều hơn trong những ngày hè do hoạt động của máy lạnh. Tuy nhiên trên thực tế, nền nhiệt cao vào mùa hè cũng có thể khiến lượng xăng trong bình nhiên liệu chuyển sang dạng khí và làm áp suất bên trong tăng cao, khiến hơi xăng bị rò rỉ, buộc người lái phải bỏ tiền ra nhiều hơn.

Trước tiên hãy đảm bảo rằng nắp nhiên liệu của xe được đậy chặt. Trong trường hợp nhận thấy xe ăn xăng nhiều hơn bình thường hoặc ngửi thấy mùi xăng quanh xe, hãy mang xe của bạn đến các trung tâm bảo dưỡng để đảm bảo mọi thứ đều an toàn.

Hệ thống điều hòa quá tải

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, điều hòa trên ô tô luôn trở thành “cứu cánh” cho những lái xe. Chính vì điều này, nhiều khi hệ thống điều hòa buộc phải hoạt động hết công suất trong thời gian dài, dẫn đến việc chúng bị quá tải và nhiều chi tiết bị trục trặc.

Bạn nên kiểm tra hệ thống điều hòa thường xuyên để đảm bảo hiệu quả hoạt động của chúng. Một mẹo hữu ích là nếu nhiệt độ bên trong xe thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 độ C thì bạn có thể yên tâm rằng điều hòa vẫn đang hoạt động tốt. Còn nếu không, hãy mang xe đến các trung tâm bảo dưỡng để được sửa chữa hoặc thay mới nếu cần.

Ắc-quy bị bay hơi dung dịch

Thời tiết nắng nóng buộc ắc-quy của bạn phải làm việc vất vả hơn khiến hiệu quả hoạt động của bộ phận này bị suy giảm đáng kể. Chưa kể đến nhiệt độ cao dễ làm chất lỏng bay hơi, khiến lượng dung dịch bên trong không còn đạt chuẩn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn dẫn đến ắc-1uy bị “chết”. Hơn nữa hiện tượng chập cháy cũng có thể xảy ra do ắc-quy mất cân bằng xung điện.

Để tránh tình trạng này, bạn nên thường xuyên kiểm tra và tháo dây ắc-quy, lau sạch các đầu cực. Ngoài ra, bạn cu thay ắc-quy xe theo định kì từ 3 đến 5 năm bởi bình ắc-quy cũ khó sạc hơn và gây tốn điện hơn./.