Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 20/10 tại khách sạn Melia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) với sự có mặt của 100 khách mời là lãnh đạo và các chuyên viên đến từ các cơ quan Chính phủ như: Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô – xe máy đang hoạt động tại Việt Nam…

Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại.

Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Tại Việt Nam, số liệu của Cục Đăng kiểm cho thấy, đến tháng 8/2022, cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày. Có thể thấy, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho việc phát triển phương tiện giao thông điện trong những năm tới.

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đầy tham vọng bao gồm đặt mục tiêu quốc gia về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, đưa ra lộ trình đến năm 2040 từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tại Hội thảo, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT sẽ trình bày về lộ trình triển khai khi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện, những khó khăn và thách thức có thể gặp phải. Từ những khó khăn đó đưa ra kiến nghị và đề xuất các giải pháp để thực hiện theo Quyết định 876.

Bên cạnh đó, đại diện nhóm giao thông, Mạng lưới không khí sạch châu Á/ dự án SOLUTIONplus và SMMR sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về thúc đẩy phát triển giao thông điện trên thế giới. Từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm, mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng được các cam kết quốc tế cũng như lộ trình đề ra.

Về phía các doanh nghiệp ô tô, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng sẽ đưa ra đánh giá và dự báo về thị trường xe điện trong tương lai, có ý kiến về việc để xe điện phát triển cần những điều kiện gì. VAMA đồng thời sẽ đưa ra nhận định khi nào giá xe điện ngang với ô tô động cơ đốt trong hiện nay và đề xuất chính sách và lộ trình cụ thể để chuyển đổi sang xe điện.

Thêm vào đó, TP. HCM được xem là một trong những địa phương đang đi đầu về chuyển đổi, phát triển xe điện. Đại diện Sở GTVT TP. HCM cũng sẽ chia sẻ thành phố đã và đang thực hiện những giải pháp, nội dung gì để thúc đẩy phát triển phương tiện điện. Đồng thời chia sẻ chiến lược lâu dài của Thành phố.

Đáng chú ý, tại phần toạ đàm trong khuôn khổ Hội thảo sẽ là nơi chuyên gia, doanh nghiệp ô tô – xe máy, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… cùng bàn luận, trao đổi những thách thức đặt ra về xây dựng hạ tầng cho xe điện, các quy chuẩn còn thiếu; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển đổi sang xe điện; giải pháp về nguồn năng lượng đáp ứng cho nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông điện…/.