“Nhu cầu về chip đang tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt. Trước những phát triển hiện nay, chúng tôi đang mở rộng sản xuất chất bán dẫn một cách có hệ thống để có thể cung cấp cho khách hàng sự hỗ trợ tốt nhất có thể" - Tiến sĩ Volkmar Denner, Chủ tịch hội đồng quản trị Robert Bosch GmbH cho biết.

Theo Reuters, cùng với cơ sở Dresden, Bosch có kế hoạch đầu tư 58 triệu USD để tạo thêm không gian phòng sạch tại nhà máy Reutlingen tại Đức. Với quyết định đó, Bosch sẽ đầu tư tổng cộng 173 triệu USD vào địa điểm này từ năm 2021 đến 2023.

“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường sản xuất chip ở Dresden sớm hơn kế hoạch và đồng thời mở rộng công suất phòng sạch ở Reutlingen. Mỗi con chip bổ sung mà chúng tôi sản xuất sẽ giúp ích cho tình hình hiện tại" - Harald Kroeger, thành viên hội đồng quản trị của Bosch cho biết .

Bosch cũng sẽ xây dựng một trung tâm mới ở Penang, Malaysia để kiểm tra chất bán dẫn thành phẩm. Công ty hy vọng trung tâm có thể thực hiện thử nghiệm chip và cảm biến bắt đầu từ năm 2023. Với diện tích 14.000m2, trung tâm sẽ cung cấp phòng sạch, không gian văn phòng, R&D và cơ sở đào tạo cho tối đa 400 nhân viên.

Bosch đã sản xuất chất bán dẫn từ năm 1970 và ngày nay các chip này được sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng và ô tô. Lĩnh vực ô tô đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi sự gián đoạn nguồn cung; nhiều nhà sản xuất chip đã chọn chuyển sản xuất sang thiết bị điện tử tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch.

Với tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến năm 2022, việc sản xuất chip này là tin tức đáng mừng cho các nhà sản xuất ô tô đang thua lỗ. Các ước tính cho thấy ngành công nghiệp ô tô nói chung có thể mất 210 tỷ USD trong năm nay do thiếu hụt./.