Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều nay (9/6), Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống chủ động giải trình một số thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ, trong đó có việc lãnh đạo bổ nhiệm người nhà.
Ông Thống cho biết trong báo cáo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có nêu một số trường hợp ở Yên Bái bổ nhiệm không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.
“Là lãnh đạo địa phương, trước hết tôi xin được tiếp thu cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp tục xem xét khắc phục, rút kinh nghiệm những sơ suất một số vấn đề không đúng trong bổ nhiệm cán bộ”, ông Thống nói.
Ông Thống báo cáo Quốc hội và cử tri rõ một số vấn đề. "Thông tin nhiều cơ quan thuộc UBND tỉnh nhiều cấp phó so với quy định, báo cáo Yên Bái hiện có 4 Sở thừa cấp phó, trong đó 1 Sở vượt Phó giám đốc do sáp nhập lại nhiều năm nay, anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam chúng ta là thế”, ông Thống nhấn mạnh.
Phó Bí thư Yên Bái cho biết thêm, một Sở do vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nên phải bố trí lại cán bộ. Còn 2 sở năm 2013, 2014 còn thừa so với quy định, tỉnh xin khắc phục.
Nói về thông tin lãnh đạo bổ nhiệm người nhà, ông Thống cho hay, căn cứ cơ chế “Đảng lãnh đạo, định hướng, giới thiệu, hoặc quyết định", tập thể Ban thường vụ quyết định giới thiệu một cán bộ có đủ bằng chính quy, cao cấp chính trị, công tác 21 năm, gần 5 năm là Phó giám đốc.
"Đồng chí ký quyết định hành chính, còn Đảng phân công giới thiệu, HĐND bầu, Chính phủ phê duyệt. Đấy là một trường hợp đặc biệt”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống nói.
Ông cũng thông tin thêm còn có một số trường hợp cấp phòng, ban bổ nhiệm thiếu tiêu chí. Theo ông thì đây không phải là các tiêu chí bắt buộc, các tiêu chí chính, tiêu chí cơ bản mà là tiêu chí “phụ” về học tập chuyên môn để cao cấp, còn về đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì có đầy đủ. Về việc này, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng yêu cầu hoàn thiện sau./.
Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 22/5 cho biết, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới quy chế làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Theo đó, đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về văn hóa công sở, cấm uống bia, rượu trong giờ hành chính; cấm dùng xe công đi lễ hội, việc riêng; cấm tặng quà lãnh đạo nhân dịp lễ, Tết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo đó, kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt.
Tính đến ngày 1/4/2017, trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, 2016 và đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là trên 22.700 người. Mặc dù vậy, Chính phủ nhận xét, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng có 58 trường hợp là người nhà.
Bên cạnh đó, còn có 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Hiện lại tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng đang được kiểm tra, làm rõ.
Một số cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc; Sở Tài nguyên môi trường Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.