Đến cuối năm 2013, thành phố Đà Nẵng có 32/49 sở, ban, ngành chưa có cán bộ chủ chốt là nữ; tỉ lệ cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý chỉ hơn 10%. Việc bố trí cán bộ nữ chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 13,5% (chưa đạt tỷ lệ 15% theo quy định).

hoi_nghi_vov1_bxjr.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

So với nhiều địa phương trong cả nước, hiện nay các cán bộ nữ tại thành phố Đà Nẵng tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp vẫn còn thấp, các chức danh cán bộ chủ chốt cấp thành phố (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND...) hiện nay chưa có cán bộ nữ.

Một số cơ quan thuộc khối Đảng, chính quyền khi có lãnh đạo chủ chốt nữ nghỉ hưu chưa kịp thời bổ sung. 12/29 cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền chưa có cán bộ chủ chốt là nữ và 3/7 quận, huyện chưa có cán bộ chủ chốt là nữ. 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là một số cấp uỷ chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ. Một số đơn vị chưa có kế hoạch đưa cán bộ nữ vào nguồn cán bộ kế cận, dẫn đến tình trạng hụt hẫng về cán bộ. Bên cạnh đó, một số cán bộ nữ còn tư tưởng an phận, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các chức danh lãnh đạo.

Ông Trần Văn Trường, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đề xuất thành phố cần có cơ chế hỗ trợ cán bộ nữ: “Khi phê duyệt quy hoạch thì hiện nay cấp huyện tối thiểu phải 2 cán bộ chủ chốt là nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy. Tôi đề nghị phải quan tâm và quy hoạch cấp cao hơn. Về đào tạo thì tôi đề nghị thành phố có quan tâm hơn về chỉ tiêu gửi thêm một cán bộ nữ trong đào tạo, kể cả đào tạo về kỹ năng, chuyên môn. Và có chính sách riêng để hỗ trợ cán bộ nữ trong việc luân chuyển về cơ sở”./.