Tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy là một tiêu chí được quan tâm trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố đã nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy từ cơ sở đến tỉnh, thành bảo đảm trên 15% nhưng không ít đảng bộ không thực hiện được mục tiêu này. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia hệ thống chính trị? 

vovgiaothong_nang_cao_ty_le_can_bo_nu_5_hdkn.jpg
Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII trong giờ giải lao kỳ họp Quốc hội (Ảnh: Phương Hoa)

Theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, tại đại hội đảng bộ các cấp lần này, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khoá tới, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy viên; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ trong ban thường vụ. Tuy nhiên, thực tế, đa số Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố không đạt được mục tiêu này. Đặc biệt, có tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp là Thái Bình: 5,56% và Khánh Hòa 3,85%.

Nói về giải pháp ấn định tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: “Nếu không đạt 15% cấp ủy thì vị trí khuyết được bù vào giữa kỳ, đó là giải pháp mạnh để đạt mục tiêu. Nhưng đó vẫn là giải pháp tình thế. Tốt nhất, là ngay Đại hội phải đạt hoặc vượt chỉ tiêu đó vì như thế công tác chuẩn bị nhân sự chu đáo, chứ không phải thiếu thì để trống, dành ưu tiên đấy để giữa kỳ bổ sung thì rất có thể người bổ sung đủ năng lực hoặc không đủ năng lực buộc phải đưa vào, như thế theo tôi vừa tốt, vừa không tốt”.

Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp, bộ, ngành, địa phương chưa đạt là do công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nữ còn chậm và chưa đi vào nền nếp. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ thiếu đồng bộ, chưa gắn nhiều vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cấp. 

Ngoài ra, thách thức lớn nhất đối với cán bộ nữ là vừa phải thực hiện thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình, vừa tham gia vào quá trình công tác, họ phải tốn sức lực, thời gian nhiều hơn nam giới. Thực tế nhiều phụ nữ lựa chọn gia đình mà ít phấn đấu cho sự nghiệp, công danh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Có vẻ câu chuyện phụ nữ lựa chọn gia đình hay công việc rất khó giải quyết. Hiện nay, cán bộ nữ trình độ đại học cũng như nữ thủ khoa cũng nhiều, như vậy là không thiếu nguồn nữ trẻ. Tuy nhiên con đường phấn đấu của các nữ cán bộ trẻ thường không bằng phẳng, họ cũng phải lấy chồng, sinh con nhưng đến lúc có thể phát huy được thì lại nghỉ hưu”.

Để thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy định của Đảng về công tác cán bộ nữ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020, cần tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ. 

Từ đó các cấp, các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.

Đồng thời, cần sớm xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; Sửa đổi, bổ sung một số chính sách, quy định trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm… cán bộ, công chức phù hợp với các quy định của Luật Bình đẳng giới.

Đối với các văn bản hướng dẫn công tác nhân sự bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần quy định cụ thể tỉ lệ ứng cử viên nữ tại hiệp thương vòng 3 để đảm bảo tăng tỉ lệ nữ đại biểu trúng cử.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bên cạnh công tác tạo nguồn, cần có giải pháp trước mắt để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị.

“Tạo nguồn là công tác lâu dài nhưng chúng ta cũng phải có những giải pháp tình thế. Bên cạnh đề xuất cần phải làm sao để tối đa hóa tỷ lệ ứng cử viên này. Bên cạnh đó tôi cũng đồng ý với việc không chấp nhận “chín ép”, những người được lựa chọn phải là những người tốt nhất trong danh sách đó và trong đó phụ nữ phải đảm bảo về tỷ lệ như chúng ta mong muốn”, bà Anh nói.

Ngoài ra, bên cạnh những chính sách của Đảng, Nhà nước, bản thân mỗi người phụ nữ cũng cần phải phấn đấu không ngừng để tiếp tục cống hiến, khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình xây dựng và đổi mới đất nước./.