Điều đó không tạo ra cho cán bộ, đảng viên có ý thức đóng góp, phát hiện đúng nhân tài cho Đảng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến những cán bộ không đủ đức, tài chạy chức chạy quyền.

Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đến gần. Điều quan trọng nhất là tuyển chọn được người đủ đức, tài để giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp và Ban Chấp hành (BCH) T.Ư.

ns_vbpi_jjmm.jpg
Tuổi đời không nên là tiêu chuẩn cứng để chọn cán bộ. ẢNH: TTXVN
Qua thực tế nhiều đại hội trước đây, công tác chuẩn bị nhân sự, tuyển chọn nhân tài đã được đổi mới, chất lượng cấp ủy có được nâng lên. Tuy nhiên, cũng còn sai sót trong quá trình tuyển chọn cán bộ, để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, cả đức và tài, tham gia BCH T.Ư, gây hậu quả nghiêm trọng, để lại nhiều di hại cho các đại hội tiếp theo.

Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư khóa XII vừa qua đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng. Đây chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên chọn cán bộ đủ đức, tài giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp và BCH T.Ư khóa XIII sắp tới. Song, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn được cán bộ theo đúng tiêu chí mà quy định này nêu ra.

Tiêu chuẩn đức, tài phải thay đổi cho phù hợp

Đầu tiên, phải hiểu rõ tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay đã khác so với thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Trong thời kỳ chiến tranh đòi hỏi cán bộ phải vào sinh ra tử, kiên cường bất khuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế thì tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ, nhất là cán bộ tham gia cấp ủy các cấp và BCH T.Ư phải được cụ thể hóa bằng sự kiên định mục tiêu lý tưởng, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là phải có kiến thức quản lý kinh tế theo kịp với xu thế phát triển của đất nước; đồng thời phải là “tấm gương” theo những gì Nghị quyết T.Ư 8 đã đề ra.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế thì tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ, nhất là cán bộ tham gia cấp ủy các cấp và BCH T.Ư phải được cụ thể hóa bằng sự kiên định mục tiêu lý tưởng, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là phải có kiến thức quản lý kinh tế theo kịp với xu thế phát triển của đất nước.
Tôi còn nhớ lời phát biểu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu ở hội nghị bàn về công tác tổ chức: “Hiệu quả công việc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đánh giá đức, tài của một cán bộ”. Lời nói đó đến nay vẫn còn giá trị. Chúng ta không thể đưa vào cơ quan lãnh đạo các cấp nhất là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước những cán bộ “hữu danh vô thực”.

Quan trọng nhất là không thể để lọt những cán bộ có biểu hiện cơ hội, tiêu cực, vụ lợi, bị lợi ích nhóm thao túng, lũng đoạn để vụ lợi cho gia đình, bản thân. Qua các vụ án kinh tế từ sau Đại hội 6 đến nay đã có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp vi phạm pháp luật phải cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng và phải truy tố về các tội tham nhũng. Đó là điều rất đáng phải lưu ý khi chúng ta minh định tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ cho đại hội sắp tới. Nói cho cùng, phải quán triệt rằng “đường lối nào thì phải có cán bộ đó”. Có như vậy thì đất nước mới phát triển được.

Tránh cơ chế chọn cán bộ “khép kín”

Điều quan trọng phải tránh là cơ chế lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, khép kín, giới hạn vào một số cán bộ lãnh đạo và hầu như chỉ dựa vào ý kiến của cơ quan tham mưu.

Trước đây, cơ quan tổ chức là cơ quan tham mưu cho cấp ủy trong việc tuyển chọn cán bộ. Bộ Chính trị tin ở cơ quan tham mưu, BCH T.Ư lại tin ở Bộ Chính trị. Ra đến đại hội thì đại hội tin ở BCH T.Ư. Trong khi, thực tế, không ai hiểu cán bộ bằng cán bộ, đảng viên thậm chí cả nhân dân trong ngành và trong địa phương, trong khu dân cư mà cán bộ đó sinh sống.

Việc chuẩn bị nhân sự đại hội chỉ được công bố vào phút chót tại đại hội sẽ dễ bị lọt các cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Nó không tạo ra cho cán bộ, đảng viên có ý thức đóng góp, phát hiện đúng nhân tài cho Đảng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến những cán bộ không đủ đức, tài chạy chức chạy quyền. Nếu công khai danh sách dự kiến cán bộ tham gia cấp ủy sẽ tránh được sai sót trong việc chọn nhân tài, tránh được tệ nạn chạy chức, chạy quyền như hiện nay. Ngoài ra, nếu được Đại hội Đảng chuẩn y cho sửa đổi Điều lệ Đảng thì nên quy định chức Tổng Bí thư do đại hội bầu.

“Thượng bất chính hạ tắc loạn”

Chọn người lãnh đạo đứng đầu một cơ sở, một ngành và một địa phương nhất là người đứng đầu một Đảng, một đất nước là hết sức quan trọng. Tuy cơ chế lãnh đạo của Đảng là trách nhiệm tập thể nhưng vai trò của người đứng đầu chi phối toàn bộ hoạt động của một cấp ủy, là chỗ dựa của cả tập thể cấp ủy và cơ quan quản lý nhà nước.

 

Lắng nghe tiếng nói của dân để loại bỏ cán bộ cơ hội
Nhiều cán bộ trước khi được giao trọng trách là những cá nhân xuất sắc, có thành tích nhưng khi đã có quyền lực trong tay lại không chịu tu dưỡng bản thân, lạm quyền, lộng quyền, kéo bè, kéo cánh, thông đồng cấu kết tạo lợi ích nhóm hoặc để người thân dựa vào chức quyền của mình để làm điều bất chính. Do vậy, phải hiểu công tác quản lý con người là một khoa học. Điều quan trọng là phải có sự giám sát thường xuyên, kiểm soát được quyền lực. Muốn làm được điều này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người làm công tác cán bộ phải thực sự lắng nghe tiếng nói của toàn Đảng, toàn dân để tránh sót nhân tài và loại bỏ những kẻ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nếu người đứng đầu đủ kiến thức, đủ bản lĩnh, trách nhiệm và là tấm gương về đạo đức, lối sống thì tạo ra sức sống cho toàn Đảng bộ noi theo.

Ngược lại, bố trí người đứng đầu không đủ tiêu chuẩn nhất là không “sạch”, không đủ kiến thức, không đủ bản lĩnh thì tác động đến tất cả một tập thể có khi tác động đến cả cấp dưới. Cha ông ta có câu: “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc” là vậy.

Khi tôi còn là cán bộ giúp việc tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thường nhắc nhở phải quan tâm đến chọn cán bộ đứng đầu một số ban ngành và một số tỉnh, thành phố có vị trí quan trọng.

Số lượng ủy viên BCH T.Ư ít hay nhiều do đại hội quyết định song yêu cầu phải chọn đúng cán bộ giữ vị trí người đứng đầu một số ban ngành và một số tỉnh thành phố cần được chú trọng.

Nếu để sai sót sẽ gây hậu quả khó lường cho Đảng, cho đất nước nhất là đối với những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của cấp T.Ư.

Tuổi đời không nên là tiêu chuẩn cứng

Để đảm bảo sự kế thừa và chuyển thế hệ thì mỗi cấp ủy kể cả trong ban thường vụ, Bộ Chính trị nên chia thành 3 độ tuổi: có độ tuổi trên 65, có độ tuổi 60 - 65 và có độ tuổi dưới 60. Tuy nhiên, không nên coi tuổi đời là tiêu chuẩn cứng.

Thực tế có cán bộ tuổi đời lớn, ngoài 60 nhưng sức khỏe tốt làm việc có hiệu quả, liêm khiết, có uy tín trong Đảng bộ và nhân dân thì vẫn tốt hơn cán bộ tuổi trẻ nhưng chỉ là cán bộ chỉ đâu đánh đấy, làm việc ít hiệu quả thậm chí còn có sai phạm hoặc sức khỏe không bảo đảm.

Như vậy, chủ trương trẻ hóa cấp ủy là đúng nhưng đầu ra phải được cân nhắc. Đã có cán bộ đẻ cuối năm trước và cán bộ đẻ đầu năm sau, chỉ cách nhau vài tháng tuổi nhưng người tái cử, người nghỉ hưu.

Ngoài ra, cơ cấu vùng miền là cần thiết nhưng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn. Rút kinh nghiệm có cán bộ đã không làm nổi một địa phương phải điều đi nơi khác lại được cơ cấu vào Bộ Chính trị sau này đã gây ra không ít khó khăn cho Đảng./.

Khắc phục chạy, xin phiếu quy hoạch nhân sự T.Ư
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban thường trực - Ban Tổ chức T.Ư, quy hoạch BCH T.Ư khóa 13 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sẽ được trình ra Hội nghị T.Ư 9 diễn ra trong những ngày tới, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch. Việc xây dựng quy hoạch nhân sự khóa tới sẽ được đổi mới về quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo quy định của Bộ Chính trị được cụ thể hóa.

Bên cạnh đó, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình, năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, không để lọt những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm vào quy hoạch cấp chiến lược: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước...

“Nhìn chung kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết”, ông Bình nói.
Lê Hiệp