Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” sẽ được trình Hội nghị Trung ương 7, khoá XII khai mạc ngày 7/5. 

Ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4, Ban tổ chức Trung ương cho biết, cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng 600 người.

huy_0016_2531_1525479061_ofwh.jpg
Vụ trưởng Vụ 4, Ban tổ chức Trung ương Phạm Quang Hưng.
"Cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước. Thực tế cho thấy, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau là do đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu", ông Hưng nhấn mạnh. 

Đánh giá cán bộ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này.

Theo đó, cùng với những tiêu chuẩn chức danh thuộc diện Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý, cán bộ cấp chiến lược phải đáp ứng thêm các yêu cầu như có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng...

Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ.

"Quy trình đánh giá cũng được đổi mới theo hướng bản thân tự đánh giá, tập thể và cấp trên đánh giá, rồi cấp dưới và người dân nơi cư trú đánh giá khi cần thiết, nghĩa là đánh giá 360 độ", ông Hưng nói.

Cán bộ quy hoạch vào các chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, tin học, ngoại ngữ theo chương trình chuyên biệt. 

Những người này cũng được định kỳ bổ sung, cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng, luân chuyển để giữ chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn và những nơi đang hoặc sẽ triển khai mô hình mới phù hợp với chức danh quy hoạch.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển. 

Trong quá trình xây dựng Đề án, có ý kiến đề nghị để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Đại hội XIII, XIV của Đảng, Bộ Chính trị thành lập các tổ công tác thực hiện khảo sát, thẩm định, phỏng vấn để tham mưu việc đánh giá đối với các nhân sự được quy hoạch cấp chiến lược có năng lực, thành tích nổi trội, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và triển vọng phát triển.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần thiết xây dựng Ban chấp hành Trung ương theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, giảm số lượng, tăng tính cạnh tranh; không nhất thiết lĩnh vực, ngành, địa phương nào cũng phải có Uỷ viên trung ương phụ trách.

Người trẻ có tài được ưu tiên vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược. 

Hội nghị Trung ương 7, khoá XII sẽ khai mạc vào đầu tuần tới. Ảnh: TTXVN
Trong đó, Đề án đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp. 

"Khi thu hút nhân tài, chúng ta quan tâm đến việc họ có tâm, có tài, có nhu cầu cống hiến cho đất nước thì đều được trọng dụng. Tuy nhiên, tuỳ từng vị trí lãnh đạo quản lý mà có tiêu chuẩn, điều kiện riêng. Quá trình đất nước phát triển chúng ta sẽ có những quy định cụ thể trong từng giai đoạn", ông Phạm Quang Hưng nói.

Mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Đề án có nội dung về việc bổ sung và hoàn thiện quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn theo hướng thực chất hơn; mở rộng thành phần lấy phiếu để làm rõ mức độ tín nhiệm đối với cán bộ.

Ngoài ra, để đảm bảo việc lựa chọn cán bộ khách quan và đúng người, quy định về thẩm định, giám sát bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cũng sẽ được xây dựng. 

"Chúng tôi sẽ xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương "có lên có xuống", "có vào có ra" là việc bình thường trong công tác cán bộ", ông Hưng nói.

Bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương

Hàng loạt giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra, trong đó có thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.

Đề án cũng xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá. 

Cơ chế kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện đồng bộ theo hướng cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử và vai trò của truyền thông. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cấp dưới và kịp thời xử lý.

Tổ chức thi tuyển cạnh tranh

Nhằm tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, ban soạn thảo Đề án cho rằng cần tiếp tục mở rộng thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Phạm Quang Hưng, trước đây Trung ương đặt ra mục tiêu tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đạt 30% đối với các Bộ, ngành và lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng sắp tới sẽ mở rộng hơn. Vừa qua, Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển tất cả các chức danh Vụ trưởng, sắp tới là cấp trưởng phòng.

"Một chức danh trưởng phòng thôi nhưng chúng tôi có tới 5 ứng viên tham gia thi tuyển, có người đang là Phó giám đốc Sở của một địa phương cũng đăng ký dự thi", ông Hưng cho hay.

"Hình thành văn hoá nói không với chạy chức, chạy quyền"

Đề án đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Theo ông Hưng, hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ được coi là tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện.

"Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hoá nói không với chạy chức, chạy quyền", ông Hưng nói.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Vụ trưởng Vụ 4 của Ban tổ chức Trung ương cho biết trước hết  phải chuẩn hoá quy trình, quy định về công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, thu hồi các quyết định sai trái.

Theo ông Hưng, Đề án nêu trên được xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, hiêu quả với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

"Nếu được Trung ương thông qua và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới", ông nói./.