Nhà báo Ngọc Dinh sinh năm 1961 ở Thái Bình. Năm 1978, ông nhập ngũ và đơn vị đóng quân tại Lạng Sơn bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về Hà Nội và công tác tại Quân chủng Phòng không (Hà Nội). Trong thời gian này, ông được cử sang Tiệp Khắc học tập và trở thành Bí thư Đoàn thanh niên Việt Nam tại đây. Năm 1985, Nguyễn Bá Ngọc Dinh được vinh dự trở thành một trong 5 thanh niên Việt Nam tham gia Đoàn tàu hữu nghị quốc tế đấu tranh vì hòa bình, tới 7 nước châu Âu.
Cộng đồng người Việt ở Liberec đón Tết |
Tình cờ với nghề báo
Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Tiệp Khắc, Ngọc Dinh trở về nước tiếp tục công tác tại phòng kỹ thuật, Học viện Phòng không ở Sơn Tây (Hà Tây cũ). Đến năm 1991, ông xin chuyển ngành và làm việc tự do ở ngoài. Tiếc cho vốn ngoại ngữ khá tốt của Ngọc Dinh lúc đó, một người bạn người Việt của ông ở Cộng hòa Czech (sau tháng 1/1993, Tiệp Khắc phân chia thành 2 quốc gia độc lập là Cộng hòa Czech và Slovakia) đã mời ông sang làm việc tại công ty xây dựng Vinacenco. Đây chính là công ty đầu tiên của người Việt tại quốc gia này. Vậy là, năm 1997, sau nhiều năm trở về nước, Ngọc Dinh trở lại nơi ông từng học tập trước đây. Đó là quyết định khá khó khăn với ông khi đó.
Trong thời gian làm việc tại Czech, ngoài công việc ở công ty xây dựng, Ngọc Dinh còn tham gia làm phiên dịch, hỗ trợ về giấy tờ, thủ tục pháp lý cho cộng đồng người Việt ngày một phát triển tại đây. Và trong một ngày đẹp trời, cùng với sự phát triển của internet, Ngọc Dinh cùng 2 người bạn Việt Nam của mình là một tiến sĩ Hóa và một phiên dịch viên cùng nảy sinh ra ý tưởng xây dựng một trang thông tin dành riêng cho cộng đồng người Việt tại Czech. Vậy là website www.secviet.cz ra đời từ đó. Ngoài ra, Ngọc Dinh còn cộng tác biên tập, thiết kế, lên trang... cho tờ Xa Xứ - một tờ báo in được cộng đồng người Việt khá ưa chuộng tại đây.
Công việc làm báo khá bận rộn nhưng thú vị đã kéo Ngọc Dinh lại gần với nghề báo từ lúc nào chẳng hay. Với nguồn kinh phí chủ yếu từ quảng cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam tại đây, số thù lao kiếm được từ nghề báo chỉ đủ cho vị cựu quân nhân, ông tiến sĩ hóa và ông phiên dịch viên uống vài vại bia Tiệp mỗi chiều, nhưng họ đều vui vì trang tin của mình rất được cộng đồng đón nhận. Đến nay, Ngọc Dinh đã trở thành hội viên của Hiệp hội quốc tế các nhà báo và hội viên Hội nhà báo Czech.
Trăn trở với tiếng Việt
Đến nay, nhà báo Ngọc Dinh đã định cư tại Czech 16 năm. Ông tham gia các chế độ bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với chính quyền bản địa nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, vì hiện nay Luật quốc tịch Việt Nam đã cho phép công dân mang hai quốc tịch nhưng Luật ở Czech thì không cho phép. Ngọc Dinh tâm sự: "Đã đến lúc tôi muốn về nhà làm việc. Con gái lớn của tôi học tập tại Czech nhưng cháu cũng muốn trở về Việt Nam. Sắp tới, tôi sẽ thu xếp công việc để trở về làm việc trong nước, vì làm báo thì ở đâu cũng vẫn làm được việc".
Một lớp học tại Trung tâm dạy tiếng Việt ở Prague-Cộng hòa Czech |
Ông kể: "Ở Czech, cộng đồng người Việt sống rải rác trên khắp cả nước, nhưng tập trung đông nhất là ở Praha. Nơi đây có Sapa - trung tâm thương mại lớn của người Việt với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Nơi đây có nhà hàng Đông Đô với sức chứa khoảng hơn 1000 người. Đây là nơi thường diễn ra các sự kiện lớn của cộng đồng người Việt tại đây. Ngoài Sapa còn có Hoàng Thành - tuy nhỏ hơn nhưng cũng thường xuyên được sử dụng để tổ chức các hoạt động cộng đồng của người Việt.
Hội người Việt ở Czech hoạt động khá sôi nổi. Hàng năm, Hội đứng ra tổ chức các hoạt động lớn cho người Việt tại đây như đón Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tổ chức thi hoa hậu người Việt tại Czech... Việc tổ chức các sự kiện này khá tốn kém (khoảng 300-500.000 kurun - tương đương 300-500 triệu đồng Việt Nam) và thường được tài trợ bởi các doanh nghiệp lớn của người Việt tại đây.
Theo nhà báo Ngọc Dinh, hiện có khoảng 70.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Czech nên các hoạt động lớn của cộng đồng người Việt tại đây rất được truyền thông Czech quan tâm. Người Việt ở Czech được đánh giá là một cộng đồng đoàn kết, sống tình cảm và hòa đồng với người dân sở tại và chấp hành tốt pháp luật của địa phương.
Đa số trẻ em người Việt thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3 tại Czech được hưởng đầy đủ các ưu đãi xã hội và giáo dục của chính phủ Czech, tuy nhiên, việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt đang thực sự trở thành vấn đề lớn đối với cộng đồng người Việt tại đây. "Ở nhiều gia đình người Việt, cả gia đình đều nói với nhau bằng tiếng Czech và trẻ em Việt rất sợ tiếng Việt bởi học khó và cũng không có điều kiện học tiếng Việt. Nếu ở gia đình nào mà bố mẹ nghiêm khắc với con trong quy định đã về nhà là phải nói với nhau bằng tiếng Việt thì ngôn ngữ mẹ đẻ còn được cải thiện đôi chút, còn đa số là đều nói tiếng Czech" - nhà báo Ngọc Dinh chia sẻ.
Hiện nay, chính phủ Czech đang cân nhắc để đưa người Việt ở Czech thành một cộng đồng dân tộc thiểu số của đất nước này. Hy vọng rằng, sau khi trở thành một dân tộc thiểu số của Czech thì cộng đồng người Việt tại đây sẽ được chính phủ Czech đầu tư nhiều hơn trong việc giữ gìn bản sắc, văn hóa và tiếng Việt.../.