Hai bạn gái Trinh Thuy Duong và Nguyen Mai Huong đã quen nhau cách đây vài năm qua mạng. Năm ngoái, họ đã cùng nhau dạy người Czech về cách nấu những món ăn Việt Nam và viết blog về ẩm thực.“Thế hệ thứ hai đã lớn và họ đã có thể giải thích cho người Czech về các món ăn Việt,” mọi người thường nói vậy về sự bùng nổ của ẩm thực Việt Nam. Và bây giờ, theo họ, đã đến lúc thế hệ thứ hai này cần phải đấu tranh giành công bằng khi đi xin việc làm.
nv-550.jpg
Thế hệ thứ hai người Việt đã lớn và họ đã có thể giải thích cho người Czech về các món ăn Việt, ảnh: iHned
Các bạn đã sinh sống tại Czech được gần 20 năm. Những câu chuyện tưởng tượng về người Việt của người Czech bạn thường gặp phải là gì?

Mai: Lúc tôi còn nhỏ, các bạn Czech thường nghĩ về tôi cũng như những người Châu Á khác là ai cũng biết võ. Họ thường hỏi tôi có biết karate hay kung fu không. Họ nghĩ là người Châu Á nào cũng giỏi võ như trong phim.

Thuy:Có một khái niệm đến tận bây giờ là “Cứ người Việt là bán hàng chợ”. Và người Séc thường nói chúng tôi là những nhà kinh doanh giỏi. Nhưng đó không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự thật. Chúng tôi có nó chút ít ở trong máu rồi, bạn có thể nhìn thấy chúng tôi ngay tại cửa hàng ở mọi nẻo phố. Luật pháp Việt Nam không chặt chẽ như ở đây, chẳng hạn như cô giáo ở nông thôn muốn bán đồ dùng học tập, cô ấy chỉ cần mở cửa hàng nhỏ trước nhà là có thể bán mà không cần bất cứ giấy phép nào.

Một trong những thành công lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại Czech đó là việc chiếm lĩnh thị trường thực phẩm. Làm thế nào để đạt được điều đó?

Thuy:Có điều khá phổ biến với người Việt, đó là khi ai đó tạo ra mô hình kinh doanh mới và thành công, tất cả những người còn lại sẽ bắt chước theo người đó. Trước đây là tiệm làm móng tay, bây giờ là cửa hàng thực phẩm. Gần đây nhất là xu hướng mở quán ăn nhanh và nhà hàng. Cách đây mấy phút chú nhiếp ảnh gia chụp chúng tôi tại đây (PV - cuộc phỏng vấn được thực hiện tại quán phở Tuan & Lan), cô phục vụ có đến hỏi, chúng tôi làm gì thế và tại sao lại chụp ảnh, vì cô ấy sợ chúng tôi định cạnh tranh và cố gắng sao chép cách kinh doanh của họ.

Một góc thủ đô Praha. (Ảnh: Phỉ Thúy)

Những người Việt khác nhìn nhận về các chủ cửa hàng thực phẩm như thế nào, họ đứng ở tầng lớp nào trong cộng đồng?

Mai: Về cơ bản, tất cả chúng tôi ở đây đều là người kinh doanh. Trên thực tế, họ chỉ đánh giá mực độ thành công và người đó kiếm được bao nhiêu tiền. Họ kinh doanh gì không phải là yếu tố quan trọng. Nếu như nói về nghề nghiệp, thì những lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, y tế được chúng tôi coi là nghề có uy tín. Nhưng hiện vẫn chưa có nhiều người Việt làm việc trong những ngành nghề này.

Tại sao không? Làm những nghề này trong xã hội Czech lại khó khăn với người Việt đến vậy?

Mai: Nói chung, với chúng tôi bây giờ chỉ khó một điều là không phải ai cũng có quốc tịch Czech. Đa số chúng tôi chỉ có giấy tờ định cư và một số nhà tuyển dụng cũng không thích điều đó. Ví dụ nó có thể sẽ gây khó khăn, khi công ty muốn gửi nhân viên của mình đi công tác. Với giấy tờ định cư chúng tôi tuy được đi lại tự do nhưng chỉ trong khu vực Schengen, nếu muốn đi Anh, chúng tôi vẫn phải xin viza. Không chỉ vấn đề về quốc tịch, khi tôi đi phỏng vấn, ai cũng có thể nhận ra tôi có nguồn gốc nước ngoài. Đa số mọi người ban đầu đều e ngại, thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ.

Cũng dễ dàng hơn cho chúng tôi nếu tập trung vào lĩnh vực nào mà cần phải làm việc nhiều với cộng đồng người Việt. Thuy hiện đang làm việc cho một văn phòng luật, nơi thường xuyên tập trung vào khách hàng Việt Nam. Cô rất được trọng dụng vì biết tiếng Việt.

Thuy: Lựa chọn thứ hai có thể dễ dàng hơn cho chúng tôi đó là vào làm việc tại một tập đoàn quốc tế, nơi đã quen cách làm việc với người ngoại quốc. Tôi có rất nhiều bạn bè đang làm việc như thế. Càng ngày cũng càng có nhiều người Việt Nam thành lập công ty riêng và thành công ví dụ như ông Thai Ngoc Nguyen, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng Sportisimo. Hàng loạt người Việt trẻ cũng tạo dấu ấn trong ngành thiết kế như Nguyen Hoang Lan, hiện đang là chủ thương hiệu La femme MiMi, hay con trai của chủ nhà hàng nơi chúng ta đang ngồi này, bà Lan. Mọi người gọi anh ấy là Jackie Tran, anh hoạt động trong lĩnh vực thiết kế web và có cả đơn đặt hàng từ Apple. Để được vào làm việc cho các công ty Czech chắc sẽ phải chờ tới thế hệ chúng tôi./.