Ngày 19/2, thứ Năm vẫn là ngày làm việc bình thường của trường. Thế nhưng, vào giờ nghỉ giữa buổi học của trường, tại khu vực sân khấu bên trong khu nhà ăn rộng rãi, sang trọng của trường, không khí bỗng trở nên tưng bừng, rộn ràng của một ngày hội lớn.
Khắp nơi phấp phới những tà áo dài của Việt Nam, những sắc phục truyền thống nhiều màu sắc của Mông Cổ, Trung Quốc...cùng một góc ẩm thực giới thiệu những món ăn truyền thống vào ngày Tết cổ truyền của Việt Nam với bánh chưng, chả nem, xôi gấc...thu hút rất động sinh viên tới thưởng thức...
Bên cạnh đó, lần lượt các tiết mục văn nghệ của Việt Nam, Mông Cổ và Trung Quốc (những quốc gia cũng đón Năm mới dịp này) đã được trình diễn trong khoảng thời gian nửa tiếng đồng hồ...nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của các sinh viên Nga và nước ngoài có mặt tại đây.
Đông đảo các thầy, cô giáo và đặc biệt, sự có mặt của hai thầy cô hiệu phó cùng nhiều cán bộ khác của Nhà trường cũng tham dự...đã khích lệ rất nhiều đối với các sinh viên nước ngoài đang theo học tại đây.
Ông Konstantin Simonov, Hiệu phó thứ nhất của trường, khi trao đổi với chúng tôi sự quan tâm của ông đối với ngày lễ đầy bản sắc dân tộc này của Việt Nam đã hài lòng cho biết vì sao trường tạo điều kiện tốt nhất cho các em tổ chức hoạt động rất có ý nghĩa này: “Chúng tôi rất vui mừng và cảm thấy cũng học được từ chính các sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước về những điều mới lạ. Họ đã mang đến đây những nét văn hóa rất đẹp...và bởi vậy chúng tôi rất thích thú khi được tham gia cùng các em trong hoạt động này và tạo điều kiện tối đa để giúp các em tổ chức tốt.”
Còn bà Nelli Rodina, cũng là Hiệu phó thứ nhất của trường, sau khi say sưa theo dõi các tiết mục văn nghệ do các sinh viên Việt Nam biểu diễn đã đánh giá cao việc tổ chức hoạt động này, bởi rất bổ ích để các bạn sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau và sinh viên Nga hiểu hơn về những truyền thống văn hóa các dân tộc trên thế giới.
Nhân dịp này Bà Rodina gửi những lời chúc Tết: “Tôi muốn chúc cho nhân dân Việt Nam những điều tốt đẹp nhất, chúc các bạn hạnh phúc và tiếp tục là những người bạn thân thiết của chúng tôi. Chúng tôi luôn đánh giá cao các sinh viên Việt Nam theo học tại đây. Các em là những sinh viên rất tốt, tài năng và chăm chỉ…Tôi mong các em sẽ đạt được thật nhiều thành tích trong học tập và mong rằng quan hệ giữa chúng ta sẽ ngày càng phát triển.”
Trong khi ở quê hương Việt Nam, thời điểm này đang là không khí rộn ràng của lễ Tết, là những ngày nghỉ ngơi, sum họp thì ở đây vẫn là những ngày học tập bận rộn của giữa kỳ thi...Thế nhưng, hoạt động như thế này được tổ chức đã giúp các sinh viên xa nhà vơi đi nỗi nhớ và quan trọng hơn là các em có cơ hội giao lưu, chia sẻ và học hỏi từ nhau những điều tốt đẹp.
Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm thứ 2 ở đây và lần đầu tiên tham gia với các bạn đón Tết xa nhà chia sẻ: “Tham gia những hoạt động như thế này em thấy các bạn sinh viên Nga cũng như là nhiều nước khác trên thế giới đều rất thích tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chúng em đã tổ chức làm những món ăn, biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đậm nét truyền thống của Việt Nam. Các bạn phương Tây đều rất thích tìm hiểu về những nén văn hóa truyền thống của Việt Nam ta.”
Xúng xính trong nếp áo dài, khăn đống, nam nghiên cứu sinh Bùi Danh Lam, chuyên ngành tài chính quốc tế, chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên em mặc bộ quần áo truyền thống này, nhưng cảm giác hoàn toàn khác những lần trước em mặc: “Bởi vì đây là lần đầu tiên em mặc ở một đất nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cảm giác bồi hồi hơn và cảm thấy như là mình đang đại diện cho một phần của Tổ quốc mình trên nước bạn.”
Trần Quốc Khánh, sinh viên năm thứ Tư, là một sinh viên giỏi và rất tích cực với các hoạt động ngoại khóa, bởi bạn cho rằng, hoạt động giao lưu này giúp sinh viên trở nên thân thiện hơn và có cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa của các nước khác nhau, làm cho con người cởi mở hơn rất nhiều.
Bà Kira Romanovna, Trưởng Khoa Sinh viên Quốc tế đã rất tích cực với các hoạt động này của sinh viên các nước khác nhau đang theo học tại trường cũng rất vui với những việc làm nhiều ý nghĩa của các em. Bà Romanovna nói: “Khi sinh viên các nước khác nhau hiểu hơn về văn hóa của nhau sẽ giúp các em gần gũi nhau hơn. Những hoạt động như thế này cũng giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập bởi các em cũng giúp đỡ nhau được nhiều hơn.”
Trường Đại học Tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga là một trong những trường Đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành tài chính kinh tế không chỉ ở Nga mà còn trên thế giới và là thành viên chính thức của Hiệp hội các trường Đại học châu Âu.
Hiện tại, trường có hơn 1.700 sinh viên của 47 nước trên thế giới đang theo học. Trường có mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với các trường Đại học của Việt Nam và hiện nay có 106 sinh viên Việt nam đang theo học tại đây.
Với sự quan tâm đến sinh viên nước ngoài theo học tại trường, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa cũng giúp thúc đẩy sự gắn bó giữa Nhà trường với những cán bộ chuyên ngành tài chính trong tương lai của hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Đó là việc làm rất hiệu quả ở một trường đại học tầm cỡ quốc tế này của LB Nga./.