Theo số liệu của cơ quan thống kê Canada, tính đến năm 2006, cộng đồng Việt kiều ở nước này vượt mốc 180.000 người. Trong đó, một số Việt kiều đã trở thành dân biểu cấp địa phương lẫn liên bang ở Canada.
Không chỉ thông qua con đường chính trị, một số bạn trẻ gốc Việt ở nước này còn đóng góp cho cộng đồng trên xứ sở lá phong bằng sự sáng tạo. Điển hình như Paul Nguyễn (33 tuổi) đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao huy chương vào năm 2012 vì những đóng góp to lớn cho cộng đồng. Năm 2004, Paul phát triển trang mạng Jane-Finch.com nhằm thay đổi hình ảnh về khu vực Jane-Finch, từng bị xem là địa bàn có nhiều tệ nạn.
Jane-Finch.com đăng tải các bài chia sẻ, phim, hình ảnh đời thường nhưng giàu ý nghĩa để làm cầu nối khu vực trên với những nơi khác tại Canada. Ngoài ra, đây còn là nơi để những người dân địa phương chia sẻ với nhau, từng bước góp phần đưa vùng Jane-Finch thành cộng đồng vững mạnh. Hiệu ứng từ Jane-Finch còn lan tỏa đến nhiều khu vực khác. Thành công của Paul Nguyễn là minh chứng cho khả năng của nhiều bạn trẻ Canada gốc Việt.
Những nhà sáng tạo
Nhà thiết kế Lê Minh Thiện - Ảnh: Thienle |
Một minh chứng tiêu biểu khác không thể bỏ qua là nhà thiết kế Lê Minh Thiện (36 tuổi) đạt nhiều thành công tại xứ sở lá phong. Thiện sinh tại Việt Nam rồi cùng gia đình di cư sang Canada từ năm 1989, sinh sống tại thành phố Windsor (Ontario).
Theo Fashionmodeldirectory.com, vào năm 1998, Lê Minh Thiện tốt nghiệp Học viện Thiết kế và công nghệ quốc tế và nhận giải thưởng Best Evening Wear Designer. Đến năm 1999, anh chính thức giới thiệu nhãn hiệu thời trang Thien Le của riêng mình với nhiều dòng sản phẩm đa dạng.
Được đánh giá là chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách thanh lịch hồi thập niên 1930 - 1950 nhưng Lê Minh Thiện cũng không thiếu khả năng phá cách để tạo ra những thiết kế độc đáo, khẳng định dấu ấn riêng. Tờ National Post từng hết lời ca ngợi sự sáng tạo của anh trong bộ sưu tập Kimono Dragon. Với những thành tựu như vậy, tiếng tăm của Lê Minh Thiện ngày càng lan xa và dần được biết đến rộng rãi ở Hồng Kông, Los Angeles và New York (Mỹ). Vì thế, ban nhạc The Abrams Brothers nổi tiếng Canada đã chọn Lê Minh Thiện làm nhà thiết kế trang phục cho một video đặc biệt. Ngoài ra, anh cũng để lại dấu ấn đậm nét cho trang phục trong phim Ngọc Viễn Đông của đạo diễn Cường Ngô.
Nhà phát triển game Lê Minh trong một lần trả lời phỏng vấn - Ảnh: Techinasia.com |
Cùng tuổi với Lê Minh Thiện còn có Lê Minh cũng là một dấu ấn nổi bật khác trong cộng đồng người Việt ở Canada. Chuyên trang IGN nổi tiếng trong ngành trò chơi điện tử (gọi tắt là game) từng bình chọn Lê Minh nằm trong số “100 Nhà sáng tạo game của mọi thời đại”. Ngoài ra, chuyên trang Gamespy cũng bình chọn anh là yếu tố đầu tiên trong 10 lý do để game Half-Life có được thành công trong nhiều năm liền. Kết quả đó bắt nguồn từ việc anh cùng nhà thiết kế game Jess Cliffe hồi năm 1999 sáng tạo nên bản mod (phiên bản đổi mới) mang tên Counter-Strike của game Half-Life từng một thời khuynh đảo làng trò chơi điện tử thế giới. Lê Minh đạt được thành công đó khi đang là sinh viên của Đại học Simon Fraser, nơi anh tốt nghiệp chương trình khoa học máy tính. Đến năm 2000, Công ty Valve, nhà phát triển
Half-Life, đã mua lại bản mod Counter-Strike rồi mời Lê Minh về làm việc tại đây, theo chuyên trang Gamasutra. Sau đó, anh tiếp tục phát triển thêm Counter-Strike 2 rồi “ra riêng” để theo đuổi các dự án của mình. Đến nay, anh vẫn là một nhà sáng tạo game được đánh giá cao.
Đại võ sư lừng danhĐại võ sư Trần Triệu Quân - Ảnh: Tkd-Israel |
Sinh ra tại Hà Nội vào năm 1952 rồi chuyển vào sinh sống ở Sài Gòn, ông Quân học taekwondo từ năm 12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, ông lấy được đai đen và chính thức mở võ đường, trở thành võ sư dưới sự bảo trợ của trung tá Hàn Quốc Kim Bong-silk. Vào năm 1970, ông sang học tại Đại học Laval ở Canada, tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh. Sau khi ra trường một thời gian, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp kinh doanh và gặt hái nhiều thành công, ngày càng giàu có. Tuy nhiên, ông cũng không bỏ quên niềm đam mê taekwondo nên tích cực tham gia hoạt động trong môn võ này. Đến năm 2003, khi đang mang đai bát đẳng, ông được bầu làm chủ tịch 1 trong 3 tổ chức ITF. Sau đó, ông tiếp tục tái đắc cử chức vụ trên vào năm 2007 và nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2011. Vào năm 2008, ông nhận đai cửu đẳng. Tuy nhiên, tiếc thay, ông đã ra đi khi còn hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho môn võ danh tiếng này./.