Kiều bào Đặng Văn Dũng sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan nhưng mãi đến cách đây 15 năm, khi ông bước vào trạc tuổi ngũ tuần mới được nhập quốc tịch nước này. Sau khi nhập được quốc tịch Thái Lan, ông đi làm hộ chiếu và đất nước đầu tiên mà ông xin được Visa để đi thăm là Việt Nam.
Cho đến nay, ông đi đi, về về quê hương của mình rất nhiều lần. Khi thì về thăm quê nội ở Huế, khi thì làm phiên dịch, hướng dẫn viên cho các đoàn của các tổ chức người Thái như tỉnh trưởng, giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học... của bạn. Đó là một trong những điều ông tự hào nhất khi nói chuyện với chúng tôi, vì con đường đến với tiếng Việt – thứ tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng mà ông luôn gọi một cách trìu mến: Tiếng quê nhà của ông và cộng đồng kiều bào ta trước đây không hề dễ dàng gì…
o-dang-van-dungto.jpg
Ông Đặng Văn Dũng bên cột mốc chủ quyềnở biên giới Việt -Trung tỉnh Cao Bằng
Hồi ức của ông ngược trở về những năm khi đất nước ta còn phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, ngày ấy do quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan còn nhiều điều chưa cởi mở nên việc học tiếng Việt với ông Dũng cũng như các kiều bào khác thuộc thế hệ của ông gặp không ít khó khăn. Nhiều khi ông Dũng cùng nhiều bà con kiều bào ta ở Thái phải đợi hàng giờ, hàng ngày tại sân bay Bangkok hy vọng may ra có ai từ bên quê nhà sang để được nghe họ nói đôi ba câu tiếng Việt. Kể đến đây, giọng ông chùng xuống: "Chắc có người không hiểu cho rằng chúng tôi điên vì ai lại đi bắt tay, nói chuyện với một người không quen biết bao giờ”. Ông tâm sự rằng ông rất yêu thơ ca, nhất là thơ Tố Hữu. Với chất giọng Huế rất truyền cảm, ông đọc một mạch bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng.
Nay tình hình ở đây đã khác, đó là nhờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã phát triển vững mạnh - ông Dũng bảo. Ở các trường phổ thông của Thái Lan bắt đầu có khoa Tiếng Việt dành riêng cho học sinh người Việt, thậm chí cả học sinh người Thái nếu muốn học tiếng Việt. Vì thế, việc học tiếng Việt với các kiều bào thế hệ sau, trong đó có các con ông giờ không còn phức tạp nữa. Ông kể: Thế hệ người Việt trẻ ở Thái, bây giờ nhiều người nói tiếng Việt rất giỏi, học tập và làm việc cũng rất giỏi. Trong mạch câu chuyện, tôi hỏi ông về hai người con của ông. Ông bảo: Chúng giống cha vì cùng sinh ra và lớn lên trên đất Thái; nhưng chúng may mắn hơn ông khi sinh vào giai đoạn hai nước đã bang giao nên chúng cũng có nhiều điều kiện để phát triển hơn thế hệ đi trước. Cả hai con ông đều đã tốt nghiệp đại học. Một người còn tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ và hiện đang làm việc cho Hãng Nasa.
Giờ thì cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan có thể về thăm quê hương bất cứ lúc nào. Với riêng ông Dũng, ông còn muốn được tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé của mình để vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Thái - Việt, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, yên vui…/.