Tốt nghiệp trường Ðại Học UCLA - ngôi trường nổi tiếng có chất lượng cao, với tấm bằng cử nhân môn Tâm lý Sinh học, Natalie học tiếp để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ môn giáo dục tại Ðại học UCLA rồi bắt đầu tham gia giảng dạy các lớp sinh học và hóa ở các trường trung học thuộc Học khu Los Angeles, vốn là nơi cư ngụ của phần lớn học sinh da màu, học sinh nghèo.

nathaly-tran.jpg
Hiện nay Tiến sĩ Natalie Trần đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển 3 chương trình tiếng Việt tại trường Đại học Cal State Fullerton (bang California, Hoa Kỳ), được xem như một bước tiến rất xa cho trường đại học này cũng như cho chính cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là tại Orange County.
Natalie Trần chia sẻ: "Ðây là một tin vui cho cộng đồng người Việt Nam của chúng ta và cũng là một sáng kiến quan trọng cho cả trường ÐH Cal State Fullerton. Ba chương trình tiếng Việt mà chúng tôi đang phát triển cụ thể như sau: Chương trình 1: Đào tạo Cử nhân tiếng Việt là một văn bằng có mục đích giúp người học tìm hiểu sâu xa tiếng Việt bao gồm các lĩnh vực như ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, nghệ thuật...Chương trình này sẽ chuẩn bị cho sinh viên các địa vị trong nghề nghiệp và công việc làm nhờ vào kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Ví dụ như các công việc liên quan tới giảng dạy, thương mại, luật pháp quốc tế, làm việc cho các tiểu bang, cơ quan của chính phủ ở các địa phương, lĩnh vực y tế, xã hội, thông dịch viên và những công việc khác. Chương trình 2: Giảng dạy tiếng Việt theo tín chỉ nhằm đào tạo, chuẩn bị nguồn lực giáo viên chuyên giảng dạy tiếng Việt tại các trường trung học (từ lớp 7-12). Sự phát triển của chương trình này sẽ cho phép chúng tôi đào tạo đúng các giáo viên trung học thích hợp giảng dạy các lớp học tiếng Việt. Chương trình thứ 3 là chương trình song ngữ Việt-Anh sẽ tạo cơ hội cho các giáo viên hiện đang giảng dạy tại các lớp mẫu giáo đến lớp 12 có thể được nhận thêm một tín chỉ của chương trình này. Chương trình 3 còn cho phép giáo viên giảng dạy từ các lớp mẫu giáo đến lớp 12 được phép dùng song ngữ. Có nghĩa là giáo viên có thể hướng dẫn bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh khi giảng dạy bất cứ một môn học nào (như toán, khoa học, cách đọc...). Nói chung, sự phát triển của cả 3 chương trình này sẽ được nối kết với nhau và hỗ trợ chúng ta trong việc giải quyết các nhu cầu cần thiết trong việc tạo ra một lực lượng lao động có khả năng đa dạng ở tiểu bang California nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung.”
Vẫn theo lời TS Natalie Trần: "Tôi luôn nghĩ rằng đây là một giấc mơ của đông đảo bà con người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, là một hoài bão lớn của cộng đồng của chúng ta. Vốn là một thành viên cộng đồng thuộc thế hệ thứ hai, tôi xem nó như là một danh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của mình. Những gì tôi cùng các cộng sự thực hiện hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trong cộng đồng của chúng ta mà còn có thể để lại một di sản cho thế hệ tiếp theo và những thế hệ con cháu của chúng ta sau này. Dĩ nhiên sự thành công của các chương trình này không thể không có sự hỗ trợ của cộng đồng. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể đến với nhau trong sự đoàn kết để cùng hỗ trợ sự phát triển của các chương trình này./.