Thái Lan là nơi từ giảng viên tiếng Việt Lê Quốc Vi sinh sống hơn nửa thế kỷ nay. Đây cũng là nơi ông sinh ra và lớn lên.Nhớ lại những tháng năm thơ ấu trên đất nước Chùa Vàng, Lê Quốc Vi xúc động chia sẻ: "Bố mẹ tôi kể lại, khi gia đình tôi tới định cư ở Thái Lan, chúng tôi đã nhận sự giúp đỡ tận tình của Đức vua, Chính phủ và nhân dân Thái Lan. Đời sống của người Việt tại Thái được như ngày hôm nay chính là nhờ vào sự giúp đỡ vô cùng to lớn ấy". Nhờ đức tính cần cù, siêng năng, tiết kiệm, đời sống của những người Việt đầu tiên đến định cư ở Thái Lan đã dần ổn định. Lúc đó, những người lớn tuổi - thế hệ người Việt đầu tiên tại Thái - bắt đầu có ý tưởng gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng vì không muốn con cái quên giống nòi.
 ubon-ratchathani-day-tviet.jpg
 Lớp dạy học tiếng Việt miễn phí ở Ubon Ratchathani. (Ảnh: Ngọc Tiến/Vietnam+)

Lê Quốc Vi kể: “Thế hệ bố mẹ chúng tôi thời kỳ đó đã tổ chức nên loại hình lớp học gọi là Tiểu học vụ (với chương trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 7) để dạy lại tiếng Việt cho con cái mình”. Đây là di sản văn hóa được truyền từ bố mẹ, anh chị sang cho con, em người Việt các thế hệ tại đây. Là thế hệ người Việt đầu tiên tại Thái Lan và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của lớp học Tiểu học vụ, sau khi học hết lớp 7, ông Vi lại nối nghiệp cha anh dạy lại cho lớp đàn em của mình. Ban đầu, việc học tương đối khó khăn và gián đoạn một thời gian dài vì nhiều lý do. Nhưng kể từ khi quan hệ Việt Nam - Thái Lan được cải thiện và nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN thì việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Khi có điều kiện dạy học tiếng Việt tốt hơn thì xuất hiện một khó khăn lớn, đó là việc duy trì tiếng Việt trong từng gia đình. Ở đa số gia đình người Việt, trẻ em đi học cả ngày ở trường và tối về nhà đều phải làm bài tập. Khi cha mẹ nói với con cái bằng tiếng Việt mà chúng không hiểu thì lại nói bằng tiếng Thái cho tiện và thói quen duy trì tiếng mẹ đẻ dần mai một.

 

 
Kiều bào Lê Quốc Vi sinh năm 1955 tại Thái Lan. Thân sinh của ông là người Việt Nam tới định cư tại Thái Lan từ năm 1950. Hiện ông là Ủy viên cố vấn Ban Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, thỉnh giảng viên, phiên dịch viên phụ trách liên lạc, phiên dịch, điều phối viên trong các hoạt động với Việt Nam. Ông cũng là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan.

 Hưởng ứng Đề án "Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" của Chính phủ Việt Nam, Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan đã nhất trí cử 3 giảng viên tiếng Việt tham dự khóa Tập huấn tại Hà Nội để trở về đóng góp cho sự nghiệp dạy và học tiếng Việt trên đất Thái.

Hiện ở Thái Lan có 10 Hội người Việt Nam tại các tỉnh, thành. Ở mỗi tỉnh, thành lại có giáo trình dạy học tiếng Việt khác nhau. Vì thế, kế hoạch sơ bộ của Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan là sau khi khóa Tập huấn tại Hà Nội kết thúc, Tổng hội sẽ mời tất cả giảng viên tiếng Việt tại Thái Lan cùng với 3 giảng viên tham dự Khóa tập huấn tại Hà Nội xây dựng một bộ giáo trình dạy tiếng Việt thống nhất và triển khai áp dụng trên toàn quốc.

"Mục tiêu của Tổng Hội là lấy bố mẹ các cháu làm đầu mối để nâng cao tiếng Việt, sau đó, họ sẽ truyền lại cho con cái mình. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để các cháu biết đọc, biết nói tiếng Việt để các cháu hiểu ông cha đã đấu tranh chống giặc ngoại xâm và hiện nay xây dựng đất nước như thế nào", ông Lê Quốc Vi nói.

Dành nhiều tâm huyết cho việc gìn giữ tiếng quê hương ở Thái Lan, ông Lê Quốc Vi đã vinh dự được Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani trao tặng Bằng Danh dự về chuyên ngành Văn hóa và trở thành người Việt Nam duy nhất tại tỉnh Ubon Ratchathani được đón nhận vinh dự này. Ông tâm sự: "Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân tôi mà còn là vinh dự của gia đình và của cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Tâm nguyện của tôi là làm thế nào để gìn giữ tiếng Việt trên đất nước Thái Lan để có thêm nhiều người Việt ở Thái có thể gìn giữ nhịp cầu hữu nghị của hai đất nước".

 
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã tạo một bước chuyển quan trọng trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đề án "Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/3/2004 do Bộ GD&ĐT chủ trì với 4 nhóm nhiệm vụ chính đã thích ứng thực tiễn và đang phát huy hiệu quả.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN là lần thử nghiệm đầu tiên để chúng ta có một lớp giáo viên chính quy, bài bản, được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiếng Việt trong nước. Từ đó, các thầy cô sẽ bồi dưỡng tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào của chúng ta ở nước sở tại, nơi các thầy cô đang sinh sống. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi nếu không có tiếng Việt, chúng ta sẽ không duy trì được bản sắc, không bảo tồn, duy trì và phát triển được văn hóa dân tộc.

Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ cao cả, quan trọng này, đó là: Cùng với bà con kiều bào kề vai, sát cánh hướng về cội nguồn, xây dựng đất nước giàu mạnh. Thế hệ trẻ kiều bào cũng là tương lai của đất nước. Chúng ta không để các cháu thiệt thòi vì các cháu không biết tiếng Việt. Chúng ta không để các cháu thiệt thòi vì các cháu không hiểu rõ về quê hương, không được tiếp cận với tinh hoa, văn hóa dân tộc".

(Thứ trưởng Bộ Ngoạigiao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm UBNN về NVNONN phát biểu tại Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN ngày 26/9, tại Hà Nội)