Ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapre), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), phụ trách mảng kiều bào trẻ và khởi nghiệp cho biết, hiện nay Hiệp hội đang có dự án Quỹ Kiều bào khởi nghiệp nhằm tạo ra hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đặc biệt là của kiều bào. Quỹ này ban đầu khởi nghiệp dự kiến với số vốn khoảng 20 tỷ đồng. 

Theo ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào trẻ họ có lợi thế và kiến thức, khát khao được quay trở về. Mỗi năm BAOOV chọn 2-5 doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp với nguồn quỹ đang có để hỗ trợ. Với những dự án đòi hỏi số vốn lớn hơn, chúng tôi có thể kết nối với các nhà đầu tư.

PV:Thưa ông, với các doanh nghiệp kiều bào trẻ, khi về trong nước đầu tư, khó khăn lớn nhất của họ là gì?

Ông Danny Võ Thành Đăng:
Tôi có điều kiện làm việc với nhiều doanh nhân kiều bào trẻ cũng như làm việc với các cơ quan Nhà nước từ Sở, Bộ, ban, ngành, các kiều bào trẻ và bản thân tôi thấy các chính sách pháp lý ngày càng khuyến khích cho kiều bào về nước đầu tư, nhất là kiều bào trẻ trở về khởi nghiệp.
kieu_bao_2_vov_biqk.jpg
Ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapre), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)

Chúng ta đã có một kênh chính thức kết nối với Sở, Ban, ngành trong trường hợp kiều bào gặp khó khăn, đó là thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài các tỉnh, thành phố. 

Thông qua các cơ quan này, chúng tôi có cơ hội được làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng, được đề đạt các đề xuất cũng như khó khăn, từ đó việc tháo gỡ các khó khăn từ hai phía ngày càng hiệu quả hơn rất nhiều.

Còn về khó khăn, đương nhiên việc gì, ở đâu cũng có một số rào cản. Đối với một số kiều bào trẻ, họ cần được thông tin nhiều hơn về tình hình đất nước, cả thuận lợi cũng như khó khăn. 

Những doanh nhân sinh sống ở Việt Nam sau đó mới ra nước ngoài lập nghiệp thì họ dễ dàng nắm bắt và hiểu rõ tình hình đất nước. 

Nhưng đối với những người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhiều khi họ không thể phân biệt được luồng thông tin tích cực và tiêu cực. Nếu họ trở về, may mắn họ gặp được những người như chúng tôi, hiểu rõ tình hình đất nước, chủ trương khuyến khích kiều bào trở về của Đảng, Nhà nước thì là rất thuận lợi. Nhưng trường hợp họ gặp những người đã từng thất bại, có suy nghĩ tiêu cực thì câu chuyện lại đi theo hướng khác, khiến cho họ cảm thấy nhụt chí.

Vì thế, tôi nghĩ việc thông tin phải được quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đó cần quan tâm đến các vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ… Bản thân tôi và hầu hết kiều bào trẻ làm việc bằng tiếng Anh. Đây cũng là rào cản khi về nước làm việc với các cơ quan chức năng. Vì thế, tôi nghĩ ở trong nước cũng phải quan tâm đến việc này để việc hỗ trợ, trao đổi với các kiều bào trẻ hiệu quả.

Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn được thông tin về sự hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như sự phát triển của họ. 

Tôi cũng thường chia sẻ ở các buổi nói chuyện với các kiều bào rằng, chúng ta sống ở môi trường khác tốt hơn, nhiều thuận lợi hơn ở Việt Nam, thì chúng ra nên tận dụng những cái tốt hơn, thuận lợi hơn để về phát triển ở Việt Nam hơn là chúng ta chỉ chăm chắm chê những cái dở, cái chưa tốt bằng nước ngoài.

PV: Lâu nay, trở về nước đầu tư thường là những thế hệ đi trước, bởi một phần là do họ đã có thời gian dài trải nghiệm và thành công ở nước ngoài, nhưng một lý do nữa là khi có tuổi, ai cũng muốn làm điều gì đó cho quê hương. Nhưng với các kiều bào trẻ, sẽ thuận lợi hơn nếu khởi nghiệp trong một môi trường, điều kiện tốt, lý do gì họ lại muốn quay về khởi nghiệp ở Việt Nam?

Ông Danny Võ Thành Đăng
: Chúng ta có 3 thế hệ kiều bào khác nhau. Thế hệ thứ nhất là năm nay ở độ tuổi từ 60-70 trở lên, họ đã đi từ rất lâu và muốn quay trở về Việt Nam. 

Thế hệ kiều bào thứ 2 là những người trẻ hơn, đi du học và định cư ở nước ngoài như chúng tôi. Chúng tôi trở về vì hiểu những thế mạnh của môi trường đầu tư ở Việt Nam. 

Những cộng sự của tôi ở nước ngoài chia sẻ, khi kinh doanh ở nước ngoài, họ phải cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp nước sở tại. Nhưng khi về Việt Nam thì họ sẽ thuận lợi hơn vì có nhiều lợi thế hơn. Họ được tiếp cận nguồn tri thức mới, được trải nghiệm ở nước ngoài đem về trong nước đầu tư là một lợi thế tốt. Do đó, họ sẽ phát triển đột phá hơn những doanh nghiệp cùng lứa. 

Các doanh nghiệp kiều bào ký kết nhiều dự án tại Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất

Lứa kiều bào thứ 3 là những người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Một phần quay trở về vì họ muốn tìm hiểu về nơi chôn nhau cắt rốn, quê cha đất Tổ. Một phần là do sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam thu hút họ. Thị trường rất tiềm năng của 90 triệu dân, thị trường trẻ và sức mua rất lớn. Đây là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn phát triển nhanh và đột phá. Bên cạnh đó, về mặt dân tộc, tiếng nói, màu da… cũng là những điều kiện thuận lợi để các kiều bào trẻ về Việt Nam khởi nghiệp.

PV: Cá nhân ông trở về Việt Nam kinh doanh ở lĩnh vực nào và ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình?

Ông Danny Võ Thành Đăng:
Tôi về Việt Nam cũng có những khó khăn nhưng cơ bản đến nay tôi đã khắc phục được. Năm 2008, tôi về thành lập công ty về tư vấn xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, đồng thời tôi đầu tư về mảng nhà hàng khách sạn. 

Năm 2010, tôi tham gia thêm lĩnh vực đào tạo, giảng dạy về các kỹ năng mềm, phát triển bản thân dành cho các nhà quản lý và các nhà lãnh đạo. Tôi dấn thân vào lĩnh vực này nhiều hơn và hiện nay tôi đang được biết với vai trò một chuyên gia, một diễn giả truyền cảm hứng xây dựng thương hiệu cho doanh nhân và doanh nghiệp. 

Ngoài ra với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tôi đang có vai trò kết nối doanh nhân Việt kiều trẻ ở khắp nơi trên thế giới và hỗ trợ họ khởi nghiệp.

PV:Ông có thấy công việc “ăn cơm nhà, vác tù hàng tổng” là một sự hy sinh?

Ông Danny Võ Thành Đăng:
Tôi tham gia công tác cộng đồng cũng rất lâu rồi. Làm công việc này, mà thấy một ai đó được hỗ trợ, được phát triển thì đó niềm vui rất lớn.

Công việc cộng đồng thực ra có rất nhiều lợi ích, vừa kết nối được mọi người, tạo thành một cộng đồng kiều bào vững mạnh. Bản thân mình cũng được hưởng lợi rất nhiều từ công việc này. Đó là chúng ta có những mối quan hệ.

Trong cuộc sống ngày nay cho dù anh là ai đi chăng nữa, thì việc kết nối giữa con người với con người rất quan trọng. Ví dụ, trước năm 2016, khi chưa tham gia Hiệp hội, thì tôi chỉ quan hệ với những đối tác ở Singapore, nhưng hiện nay tôi kết nối được bạn bè ở rất nhiều nơi, khoảng vài chục nước trên khắp thế giới. 

Và thời đại công nghệ thông tin, chỉ bằng tin nhắn hoặc điện thoại là chúng ta có thể liên hệ và giúp đỡ được lẫn nhau, giúp đỡ được các doanh nghiệp ngay tại các nước sở tại. 

Tôi nghĩ cái được lớn nhất của những người làm công tác cộng đồng là kết nối, vừa tạo được mối quan hệ cho mình, vừa giúp đỡ được các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi rất tâm huyết với câu nói “những người rất giàu thì họ sẽ quay lại xây dựng mạng lưới của mình, thay vì kiếm tiền”. 

PV: Xin cảm ơn ông./.