Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh sự nỗ lực hòa nhập và phát triển ở nước sở tại, nhiều kiều bào đang có xu hướng trở về. Hàng năm có khoảng 300 đến 500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo....
Theo thống kê năm 2018, Kiều hối là 15,9 tỉ USD, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận Kiều hối lớn nhất thế giới năm nay, đóng góp 6,6% GDP Việt Nam, trong đó có gần 3.000 dự án tổng vốn đăng ký gần 4 tỉ USD tập trung những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho bà con về nước đầu tư. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nhân Việt kiều, thì vẫn còn tình trạng chủ trương thì tốt như việc thực hiện vẫn còn có lúc, có nơi gây phiền phức cho doanh nghiệp.
VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
PV:Việt Nam có một lực lượng lớn Việt kiều là những người được tiếp thu tinh hoa ở các nền kinh tế tiên tiến. Trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang, kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vao trò của Việt kiều, nhất là các doanh nghiệp Việt kiều trong việc góp sức giảm tải những thách thức đối với kinh tế Việt Nam?
Ông Vũ Tiến Lộc:Trong bối cảnh như vậy thì đóng góp của bà con Việt kiều nói chung và công đồng doanh nhân Việt kiều như thế nào là một việc chúng ta cùng suy nghĩ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Tôi nghĩ chúng ta có một nguồn lực rất quan trọng là Việt kiều và đó cũng là một tài sản của Việt Nam và ít nước ngoài có một nước ngoài có một lực lượng kiều bào đông tới mức như vậy.
Kiều bào lại có mặt ở hầu hết các cường quốc kinh tế. Trong đó tỷ lệ trí thức rất cao. Tài chính họ không nhiều nhưng vốn kiến thức, xã hội, quan hệ có có tiềm năng. Bà con đóng góp lớn không phải ở tài chính mà chính là sự kết nối với các doanh nghiệp bản địa, là việc truyền bá các kiến thức, công nghệ về Việt Nam, đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Tôi nghĩ nếu sử dụng tốt mạng lưới bà con Việt kiều là một lực lượng kết nối tốt trong phát triển.
PV: Ông vừa nói về sự kết nối, ông có nhận định gì về sự kết nối của bà con kiều bào, trong đó có các doanh nhân với nhau, với trong nước và với thế giới. Với vai trò của mình, VCCI đã hỗ trợ bà con như thế nào?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết có thể nói VCCI có sáng kiến thành lập các Hiệp hội doanh nhân kiều bào và tham gia ngay từ ban đầu cùng với bà con trong việc thành lập. Hiệp hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài là thành viên của VCCI là hợp tác với VCCI trong hợp tác, xúc tiến thương mại đầu tư và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài.
Có thể nói trong những năm qua quan hệ này hết sức chặt chẽ và trong thời gian tới cũng cần có những cách thức và mô hình hiệu quả và tích cực hơn. Tôi nghĩ Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần này là một ví dụ như vậy.
Trong tương lại thì VCCI sẽ phối hợp với Hiệp hội tổ chức Diễn đàn với quy mô ngày càng lớn và chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi cũng sẽ bàn với nhau một số chương trình hợp tác cụ thể. Chẳng hạn đã bàn về chương trình Hiến kế với Đảng, Nhà nước về thể chế, mô hình kinh doanh; thành lập quỹ khởi nghiệp, anh em Việt Kiều sẽ đóng góp vào quỹ này không chỉ về tài chính, tiền bạc, phối hợp với nhau trong các chương trình an sinh xã hội.
Cải cách thể chế, phải khắc phục được “trên nóng dưới lạnh”
PV: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho bà con về nước đầu tư. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nhân Việt kiều, thì vẫn còn tình trạng chủ trương thì tốt như việc thực hiện vẫn còn có lúc, có nơi gây phiền phức cho doanh nghiệp?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi hiểu ý kiến của bà con cũng giống như cộng đồng trong nước, chúng ta rất hoan nghênh, cơ quan Chính phủ đã có nỗ lực thúc đẩy hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, cố gắng tháo gỡ các thủ tục hành chính khá mạnh mẽ trong thời gian qua.
Có thể nói chúng ta tiến bộ rất nhiều so với chúng ta. Nhưng trong tình hình thực tế mà ngày càng canh tranh gay gắt, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ đẩy sự gay gắt hơn nữa cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong xuất khẩu, trong đầu tư… Trong bối cảnh như vậy thì mọi nền kinh tế đều thúc đẩy cạnh tranh rất mạnh mẽ. Quan trọng là mình đã có tiến bộ so với chính mình nhưng làm sao phải rút ngắn hơn khoảng cách so với thế giới.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước thì tốt như việc thực hiện vẫn còn có lúc, có nơi gây phiền phức cho doanh nghiệp |
Chính phủ đề ra mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ đưa Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế có khả năng cạnh tranh về thể chế hàng đầu trong ASEAN nhưng cho đến nay khoảng cách của chúng ta so với các nước vẫn chưa khép lại được. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới thì có thể thấy việc chúng ta đạt được mục tiêu là một thách thức rất lớn.
Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, trước hết là cải cách thủ tục hành chính còn rườm rà, rắc rối, trên “nóng” dưới “lạnh”, trên bảo dưới không nghe, hệ thống pháp luật cũng còn nhiều chồng chéo, để lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Bây giờ chúng ta đang bước vào nền kinh tế số 5.0, thì quản lý Nhà nước cũng phải theo kịp được chuyển động này. Nếu quản lý cứ thủ công như thế này, trong khi đó mô hình kinh doanh thay đổi rất nhanh chóng, nếu không đẩy được nền kinh tế số, nền kinh tế sáng tạo thì chúng ta sẽ thụ động. Vì thế thách thức về thay đổi thể chế rất lớn.
Cho nên chắc chắn cải cách thể chế chúng ta đang đẩy mạnh và rất muốn có sự hiến kế của bà con kiều bào, xem các nước họ chăm sóc, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để chúng ta có thể tiếp thu những kinh nghiệm tốt. Hiện nay Đảng xác định cải cách ở Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
PV:Hiện nay trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, lực lượng doanh nhân trẻ khá lớn, họ là những có tiềm năng về tri thức nhưng lại thiếu về vốn và kinh nghiệm. VCCI có hỗ trợ hay đề xuất hỗ trợ như thế nào đề thu hút lực lượng này về nước đầu tư?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thu hút nguồn vốn cho thúc đẩy khởi nghiệp, không chỉ là trong nước mà trên quốc tế. Hiện nay Chính phủ đang tích cực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng quỹ đầu tư cho sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm… để hỗ trợ và khuyến khích những người trẻ về nước đầu tư. Rất mong anh em sẽ đầu tư về nước.
Tôi nghĩ tất nhiên hiện nay chúng ta cũng có nhiều khó khăn để có một hệ sinh thái tốt nhưng Chính phủ đang giao làm việc này. Chúng ta rất mong sẽ sớm làm được. Trong tất cả các lĩnh vực chúng ta rất cần hiến kế nhưng trong khởi nghiệp chúng ta lại càng cần hiến kế, kết nối để có nguồn tài chính cho khởi nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông./.