Tại phiên thảo luận “Chắp cánh vị thế Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu” mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) đã trình bày Đề án thành lập Quỹ Kiều bào khởi nghiệp (OVSF). Đề án được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang tạo ra cơ hội lớn cho kinh doanh, hợp tác, đầu tư với nhiều quy định pháp lý cho phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
Ông Danny Võ Thành Đăng, đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) |
Trả lời phỏng vấn VOV.VN, ông Danny Võ Thành Đăng, đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết, Quỹ Kiều bào khởi nghiệp nhằm tạo ra hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đặc biệt là của kiều bào. Hiện nay có khá nhiều hệ sinh thái khác nhau ở Việt Nam, với xu hướng cho việc khởi nghiệp thì kiều bào cũng đang có một hệ sinh thái riêng của mình. Kiều bào cũng có những đặc thù rất riêng, nhất là thế hệ 7X, 8X, có nhiều người sinh ra và lớn lên ở nước sở tại, khi đầu tư về nước họ cũng gặp một số rào cản về văn hóa, về ngôn ngữ.
Để khuyến khích cho kiều bào khởi nghiệp về Việt Nam, nước ta đã có khung chính sách hỗ trợ bà con thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan. Nhiều doanh nghiệp trẻ ngoài việc cần có khung chính sách, họ cũng rất cần vốn để khởi nghiệp.
Theo ông Danny Võ Thành Đăng, Quỹ này ban đầu khởi nghiệp dự kiến với số vốn khoảng 20 tỷ đồng. “Chúng tôi dự định kêu gọi 30 nhà đầu tư là những doanh nghiệp quan tâm đến khởi nghiệp. Để quản lý quỹ được minh bạch, chúng tôi sẽ mời bên thứ 3 hướng dẫn, vận hành quỹ có hiệu quả. Mỗi năm chúng tôi chọn 2-5 doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp với nguồn quỹ đang có để hỗ trợ. Với những dự án đòi hỏi số vốn lớn hơn, chúng tôi có thể kết nối với các nhà đầu tư”.
Nhiều hợp đồng được ký kết tại Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất |
Quỹ sẽ hướng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp mới, có thể đầu tư ở nước ngoài, có thể đầu tư về Việt Nam. Quỹ tập trung vào tất cả các lĩnh vực thuộc thế mạnh của Việt Nam và phù hợp với kiều bào như: Du lịch, thương mại, dịch vụ, tài chính, kinh doanh quốc tế, giáo dục, công nghệ.
Theo ông Đăng, đa số những doanh nghiệp này khi khởi nghiệp trước khi gõ cửa các ngân hàng thì cần có một quá trình chạy thử 1-2 năm. Trong quá trình đó, họ cần số vốn nhỏ hơn để vận hành và Quỹ thành lập để hỗ trợ họ khó khăn ban đầu như vậy.
“Kiều bào trẻ họ có lợi thế và kiến thức, khát khao được quay trở về. Dự kiến năm 2019, chúng tôi kêu gọi để đầu 2020 chúng tôi có thể có nguồn tiền sẵn. Trong quá trình này chúng tôi đang tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các cuộc thi khởi nghiệp để lựa chọn”- ông Danny Võ Thành Đăng cho biết./.