Những ngày qua, thông tin về tình trạng dưa hấu miền Trung bị ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc cùng những nỗ lực của cộng đồng để “giải cứu” dưa hấu đã làm xôn xao dư luận. Hàng nghìn tấn dưa đã được tiêu thụ. Một số vùng đã hết dưa. Thông tin trên mạng xã hội Facebook cho biết đã có hiện tượng thương lái tranh mua với các thanh niên tình nguyện đang hỗ trợ mua dưa cho bà con trong 2 ngày cuối tuần và nâng giá lên tới 3.200 đồng/kg…

Nhưng đằng sau chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu, và mới đây là chiến dịch hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ hành tím, bài học rút ra là gì?

Nghe nội dung bài viết dưới đây:

 

Điểm tích cực rút ra từ chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu vừa qua là khi thị trường trong nước đẩy mạnh tiêu thụ, người tiêu dùng trong nước nhiệt tình mua dưa hấu miền Trung, thì dù lượng sản xuất ra rất lớn, nhà nông vẫn thoát được hiểm. Hay nói một cách khác: thị trường nội địa với 90 triệu dân luôn có khả năng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước rất tốt, nếu như có chiến lược quảng bá và phân phối hợp lý.

Trước đây cũng đã có những chiến dịch tiêu thụ sản phẩm thành công như vậy đối với sản phẩm cá tra, cá basa khi mặt hàng này bị đánh thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, hay đối với mặt hàng dệt may cũng trong hoàn cảnh bị đánh thuế phi lý.

1_btxp_axgf.jpgThanh niên tình nguyện bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Nam (Ảnh: Hoài Nam)

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, vì sao hàng hóa sản xuất trong nước chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước khi bị dồn đến bước đường cùng? Phải chăng, trong chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như người nông dân, thị trường nội địa chưa bao giờ thực sự là thị trường chiến lược? Phải chăng, những gì ngon nhất, tốt nhất từ xưa đến nay vẫn chỉ được sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Còn thị trường trong nước không được quan tâm đúng như đáng lẽ phải thế?

Nhìn từ chiến dịch tiêu thụ dưa hấu miền Trung, có thể thấy rõ, sức tiêu thụ của thị trường trong nước lớn như thế nào. Nếu như luôn có nguồn hàng chất lượng ổn định, giá cả hợp lý (cụ thể ở đây là giá dưa hấu khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg) thì chẳng cần ai vận động, người tiêu dùng trong nước vẫn mua hàng ngày để phục vụ cho nhu cầu sống thường nhật của mình. Nhưng thử xem lại, nếu không có vụ ùn tắc ở cửa khẩu, người tiêu dùng thường phải mua dưa với giá bao nhiêu tiền? Xin thưa, không dưới 10.000 đồng/kg, giá hiện tại là 15.000 đồng/kg.

Nên trách ai khi nông sản trong nước dồi dào mà các loại cam, táo, quýt, dưa hấu, bắp cải, khoai tây, hành tây, cà rốt bán tràn ngập ngoài thị trường vẫn là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc? Nên trách ai khi hầu hết nông sản tại các vùng sản xuất lớn đều chăm chăm hướng tới xuất khẩu, mà lại là xuất khẩu biên mậu, phụ thuộc chỉ một thị trường?

Trách nhà nông chăng? Có thể lắm, vì không thể phủ nhận một thực tế là ở nhiều vùng, nông dân sản xuất theo phong trào, tự phát, thậm chí sẵn sàng phá vỡ hợp đồng khi cuối vụ có người trả giá cao hơn. Trách người tiêu dùng chăng? Cũng đúng, vì rõ ràng một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trong nước hiện nay, nhất là người tiêu dùng thành thị có khả năng chi tiêu cao, thường có xu hướng thích dùng hàng ngoại, nên sẵn sàng mua 1 kg cam mác Mỹ với giá 300.000 đồng, hơn là mua cam Vinh, cam Hà Giang với giá chỉ khoảng 1/10.

Thế nhưng, người cần chịu trách nhiệm khi cung và cầu không gặp nhau không phải là nhà nông hay người tiêu dùng, mà phải là các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp thương mại. Nếu như ngay từ khi xây dựng chính sách, các cơ quan chức năng đặt mục tiêu sản xuất cân đối giữa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó đưa ra những nghiên cứu bài bản và chi tiết về nhu cầu, khả năng tiêu dùng, đặc tính, tập quán của người tiêu dùng trong nước, thì sản xuất sẽ không bị quá phụ thuộc vào một thị trường, và tránh được tình huống phải “giải cứu” như vậy.

Và nếu như các doanh nghiệp thương mại quốc doanh vốn được hưởng nhiều ưu đãi của chính quyền địa phương về mặt chính sách, bao gồm cả vốn ưu đãi từ chương trình bình ổn giá, phản ứng kịp thời, thì các bạn đoàn viên thanh niên sẽ không cần trở thành những người kinh doanh dưa bất đắc dĩ như vậy.

Cho đến bây giờ, người tiêu dùng trên toàn thế giới vẫn luôn mong muốn mua được những sản phẩm “Nhật nội địa”, tức là sản phẩm do các doanh nghiệp Nhật sản xuất ra phục vụ thị trường trong nước, vì chất lượng và độ bền của những sản phẩm này hơn hẳn sản phẩm xuất khẩu. Đến bao giờ thì người tiêu dùng Việt Nam cũng được dùng những sản phẩm của doanh nghiệp Việt sản xuất ưu tiên cho thị trường trong nước với chất lượng tương đương hàng dành cho xuất khẩu? Điều đó, trước hết phải bắt nguồn từ hoạch định chính sách chuẩn xác. Và việc của Bộ Công thương không phải là xuống tay giúp nhà nông tiêu thụ 19 tấn dưa./.