Kinh hoàng, rùng mình và xót thương những người dân vô tội là những cảm giác đọng lại cho bất cứ ai có dịp thăm quan Bảo tàng chứng tích Diệt chủng Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Tòa nhà 4 tầng khá lạc lõng với cảnh quan xung quanh bởi sự cũ kỹ, sập sệ, vắng bóng người, đặc biệt không ánh đèn và sự im lặng đến rợn người khi chiều buông.
"Toul Sleng", nhà tù được gọi là của chính quyền Campuchia Dân chủ (thường được biết dưới cái tên Khmer Đỏ), là một nhà tù tàn ác nhất, ghi dấu tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Sau khi đất nước chùa Tháp được giải phóng, Nhà tù Toul Sleng trở thành Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng. Nơi đây đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hàng ngàn bức ảnh các nạn nhân, rất nhiều trong số đó vẫn đang được trưng bày cũng như các hiện vật được tìm thấy sau khi quân Khmer Đỏ bị khống chế vào tháng 01/1979.
Trước năm 1975, Toul Sleng từng là một trường trung học. Khi quân Khmer Đỏ của Pol Pot lên nắm quyền, tháng 5/1976, chúng biến nơi đây thành nhà tù và nơi thẩm vấn với tên gọi S-21 (Security Office 21). Theo các tài liệu mà Trung tâm Tư liệu Campuchia tìm được, S21 được thiết kế đặc biệt để dành cho việc tra hỏi và tiêu diệt các phần tử "phản bội".
Chế độ Khmer Đỏ đã bị lật đổ vào năm 1979, gần 2 triệu người dân Campuchia đã bị giết hại dưới chế độ này. Hiện, Campuchia còn khoảng 15 khu vực lưu giữ những bằng chứng về tội ác Khmer Đỏ. |
"Địa ngục" Toul Sleng có 4 tòa nhà chính được sử dụng làm nơi điều hành, giam giữ, thẩm vấn và tra tấn. Xã hội Campuchia ngày đó hầu như bị hủy diệt khi không có chợ búa, trường học, bệnh viện, tiền tệ. Các hoạt động tôn giáo cũng bị cấm đoán.
Sự giết người man rợ của chế độ Khmer đỏ còn hiển hiện đậm nét tại “lò sát sinh” - là dãy phòng gồm 14 phòng. Trong phòng chỉ kê được một cái giường sắt và hộp đựng đồ tra tấn. Khi bị gọi lên đây, nạn nhân bị tra tấn man rợ đến chết. Một trong những hình thức tra tấn phố biển ở S21 là rút móng tay, móng chân; đổ axít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập...
Những người tù ở đây bị tra tấn vô cùng tàn bạo, có khi kéo dài hàng tháng trời cho tới lúc chịu họ “thú tội” hoặc chết vì kiệt sức và bệnh tật. Sau khi thú tội, họ bị đưa đi hành quyết một cách man rợ tại đây.
Hiện nay, Bảo tàng chứng tích nạn diệt chủng Toul Seng hàng ngày đón khoảng hàng trăm du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chứng kiến tàn tích và những tội ác điên cuồng của chế độ Khmer Đỏ và tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử đẫm máu của Campuchia.
Anh Ong Ken, một khách du lịch Mỹ có mẹ là người Campuchia, gia đình anh chạy trốn khỏi đất nước này năm 1979 khi anh mới 1 tuổi, chia sẻ: “Tới đây tôi mới hiểu những gì bố mẹ tôi kể về đất nước Campuchia dưới chế độ Pol Pot. Tôi cũng đọc nhiều thông tin trên mạng, xem truyền hình, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì thật kinh khủng, ngoài sức tưởng của tôi. Gia đình tôi giờ không còn ai ở Phnom Penh, nhưng đây vẫn là chuyến trở về quê hương. Chuyến đi này thật ý nghĩa, giúp tôi hiểu hơn về lịch sử Campuchia”.
Bà Nguyễn Thị Đậu năm nay đã ngoài 70 có mặt trong đoàn du khách Việt Nam tới thăm Bảo tàng với cuốn sổ ghi chép trên tay và luôn hỏi thêm thông tin từ hướng dẫn viên người Campuchia tâm sự: “Thật rùng mình, kinh hãi vì những tội ác Khmer đỏ tàn sát người dân vô tội. Thăm nơi này tôi lại nhớ tới những chiến sĩ cộng sản bị tra tấn cho tới chết trong nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo của ta. Tội diệt chủng của Khmer Đỏ không thể dung tha. Tòa án xét xử Khmer Đỏ phải nhanh chóng thúc đẩy các phiên tòa, đem lại công lý cho các nạn nhân”
35 năm qua, đất nước Campuchia đã hồi sinh, mạnh mẽ vươn mình đứng dậy và có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng Bảo tàng diệt chủng Toul Seng – chứng tích đau thương một thủa này vẫn luôn nhắc nhở người dân Campuchia, nhất là thế hệ trẻ và cả nhân loại: "Không để xảy một thảm cảnh diệt chủng như chế độ Khmer Đỏ trên bất kỳ nơi nào trên trái đất này !".
Số tù nhân bị giam giữ tại S-21 từ năm 1975 đến tháng 6/1978 như sau:
-Năm 1975: giam giữ 154 tù nhân
-Năm 1976: giam giữ 2.250 tù nhân
-Năm 1977: giam giữ 2.350 tù nhân
-Năm 1978: giam giữ 5765 tù nhân
Con số tù nhân trên chưa bao gồm trẻ em bị Khmer Đỏ giết hại. Con số này tới 20.000 người. Tù nhân bị giam giữ trong S-21 kéo dài từ 2- 4 tháng. Tù Chính trị bị giam giữ khoảng 6-7 tháng.
Bảo tàng Diệt chủngToul Sleng mở cửa ngày 19/8/1979 khi Toà án Nhân dân CPC bắt đầu xét xử thủ lĩnh của chính quyền “Campuchia dân chủ”: Pol Pot Ieng Sảy, Khiev Samphorn... |
Ngày 07/01/1979, Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Lúc đó dân số nước này đã giảm khoảng 1/3 so với 7,5 triệu người trước đó. |
Mộ của 14 nạn nhân cuối cùng trong nhà tù Toul Sleng còn sống sót được chôn cất ở đây. Họ được giải thoát khi quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng khu vực này. Các bức ảnh của 14 phạm nhân hiện vẫn còn treo trên 14 phòng do phóng viên chiến trường Việt Nam chụp lại. |
Một phòng tra tấn tù nhân. |
Dụng cụ cùm chân tù nhân trong phòng giam tập thể. |
Bàn tra tấn và các dụng cụ tra tấn, trong đó, cách tra tấn phổ biến nhất là rút móng tay phạm nhân |
Phạm nhân bị xiềng tay, chân trong bể gỗ, rồi mở vòi nước vào làm ngạt thở dần dần... |
Các nạn nhân của Nhà tù Toul Sleng, trong đó có cả phụ nữ... |
... rất nhiều trẻ em và cả người nước ngoài. (Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu của Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng) |
Nhiều tù nhân bị tra tấn đến chết. |
Hình ảnh tù nhân bị giam trong buồng giam nhỏ |
Những chiếc xương sọ của những người bị Khmer đỏ giết hại được lưu giữ tại Bảo tàng. |
Tù nhân bị trói tay quặt ra sau và kéo lên xà ngang, sau đó dìm đầu vào chum nước. |
S21 vốn là một ngôi trường phổ thông có tên là “Ponhea Yat”. Đến tháng 5/1976, chính quyền Khmer đỏ đã biến nơi đây thành 1 nhà tù với hàng rào và dây điện bao quanh. |
Toul Sleng có 4 tòa nhà chính được sử dụng làm nơi điều hành, giam giữ, thẩm vấn và tra tấn. |
Các phòng học được xây thêm tường ngăn để trở thành phòng giam |
Hàng ngày, Bảo tàng chứng tích nạn diệt chủng Toul Seng đón khoảng hàng trăm du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chứng kiến tàn tích và những tội ác điên cuồng của chế độ Khmer Đỏ và tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử đẫm máu của Campuchia. |