Đây là đài quan sát khí tượng, khí hậu, thời tiết của triều đình nhà Nguyễn. Quan Tượng Đài và các hoạt động nơi đây thuộc sự quản lý của Khâm Thiên Giám, là cơ quan có chức năng xem thiên văn, dự báo khí hậu thời tiết, làm lịch, coi đất, chọn ngày tốt... cho các hoạt động của triều đình cũng như dân chúng.
Quan Tượng Đài được xây dựng năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng; nằm ở thượng thành (mặt trên thành) góc tây nam Kinh thành, thuộc phạm vi pháo đài Nam Minh (hiện thuộc địa phận phường Thuận Hoà, thành phố Huế).
Quan Tượng Đài trong quá trình phục dựng |
Công trình có 2 phần chính: phần nền đài và kiến trúc bên trên có tên là đình Bát Phong. Chức năng quan trọng nhất của Quan Tượng Đài là nơi để các nhà chiêm tinh của cơ quan Khâm Thiên Giám dùng kính thiên văn quan sát mặt trời, trăng và các tinh tú; nhằm xác định toạ độ địa lý của các tỉnh thành, vùng miền trên đất nước.
Đây là công trình dạng đài thiên văn thứ 2 trong lịch sử phong kiến Việt Nam, và là công trình duy nhất còn lại dấu tích. Trước đó, ở Kinh đô Thăng Long (Hà Nội), thời Lê (1428-1788) đã có một đài thiên văn và cơ quan Khâm Thiên Giám, nhưng đã mất hoàn toàn dấu vết, chỉ còn để lại một tên phố “Khâm Thiên”.
Cho tới những năm 1960, Quan Tượng Đài ở Kinh thành Huế vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng sau đó, vì không hoạt động và cũng không được bảo tồn, trùng tu; nên Quan Tượng Đài, xuống cấp, đình Bát Phong đã bị hư hại, sụp đổ.
Tháng 10/2012, dự án “Tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài” trong hệ thống dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” đã được khởi công. Trong đó, đình Bát Phong được phục dựng mới hoàn toàn theo kiến trúc cũ. Công trình đã được hoàn thành vào đầu tháng 9/2013./.Hình ảnh về Quan Tượng Đài trong quá trình phục dựng:
Quan Tượng Đài nằm ở góc tây nam Kinh thành. Đây là một vị trí quan sát thuận lợi. Vì vậy trong thời kỳ chiến tranh đã có những lô cốt được xây dựng nơi đây, và hiện vẫn đang tồn tại. Ảnh chụp từ phía ngoài Kinh thành. |
Quan Tượng Đài nằm ở thượng thành (mặt trên thành), gồm 2 phần chính: Phần nền đài với hệ thống bậc cấp dẫn lên, và đình Bát Phong. Nền đài cao 5,90 m; hệ thống bậc cấp được xây đặc, có chiều rộng 8,20 m, phần bậc xây bằng đá gan gà, phần lề dốc 2 bên lát gạch. Đường dẫn lên Đài nằm bên trong Kinh thành. |
Toàn cảnh công trường Quan Tượng Đài. Đình Bát Phong đang được phục dựng mới hoàn toàn, các hệ thống lan can, sân nền, bậc cấp được tu bổ, tôn tạo theo đúng kiến trúc nguyên bản. |
Đình Bát Phong là một kiến trúc có kết cấu khung gỗ gỗ dạng cổ lầu, mặt bằng hình bát giác, không có cửa. Công trình có 12 cột với 2 tầng mái, tầng dưới 8 mái, tầng trên 4 mái. |
Các loại vật liệu dùng cho việc phục dựng Quan Tượng Đài và đình Bát Phong: Gạch vồ lát nền, ngói âm dương tráng men lợp mái, gạch ốp đỉnh lan can. |
Trong khối lượng thi công xây lắp về kiến trúc, có 3 hạng mục chính: Đó là phần tu bổ lan can, sân nền; phần khung gỗ kết cấu công trình đình Bát Phong; và phần lợp ngói, trang trí nề - ngoã trên hệ thống mái. Lợp ngói và trang trí mái là công đoạn thực hiện trực tiếp tại công trường rất lâu, và đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ cao. |
Một diện mái đang được triển khai. Phía trên hệ kết cấu gỗ là lớp ngói phẳng lót (gọi là ngói chiếu), rồi đến lớp vữa đệm. Tiếp theo là lớp ngói âm – dương, sấp - ngửa úp vào nhau. |
Những công trình dân sinh vi phạm vùng bảo vệ di tích sẽ bị giải toả |
Quan Tượng Đài nhìn từ nền đài |
Tấm biển đá đề 3 chữ "Quan Tượng Đài" mới được gắn lại trên mặt dựng của nền đài phía tây nam, hướng ra ngoài Kinh thành. |