Vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, Lệ Mật là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1961, xã Việt Hưng cùng các xã, thị trấn trong huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Lệ Mật xưa có tên là "Trù Mật", có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương (1686 - 1729) nên đổi thành tên như hiện nay. Tương truyền, vào đời vua Lý Nhân Tông, có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) và vào một hôm, công chúa bị đắm thuyền chết đuối không thấy xác. Vua trao giải cho ai tìm thấy nhưng không người nào tìm được. Có một chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại". Sau khi khai lập được 13 trại, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là "Trù Mật". Sau khi chàng thanh niên mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn chàng là Thần Hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn. Vì thế, theo phong tục, từ sáng sớm ngày 23/3 âm lịch, đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đều đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Phần lễ của hội bao gồm: lễ rước nước từ giếng làng, rước cá chép vào đình Thánh, rước cỗ (lễ vật) của 13 trại ở quận Ba Đình về làng dâng thần. Phần hội đặc sắc nhất là trò múa rắn. Con rắn được làm bằng nan tre lợp vải,  tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Nhạc múa là dàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.
_mg_9725.jpg
Màn múa chén chung vui cùng đoàn rước
Múa cờ trước đi đầu đoàn rước
Rước lễ vật vào Đình
Múa cờ nghênh đón các đoàn rước
Kiệu quay trước đình
Đoàn múa sênh tiền chung vui cùng đoàn rước
Cùng với đoàn rước còn có đại diện của làng hoa Ngọc Hà là những phụ nữ quẩy gánh hoa tươi
Nghênh kiệu trước đình
Rước bát hương cùng đổ lễ vào cung Thánh
Đoàn rước không cần đến nhạc công, mà nhạc được phát ra từ chiếc loa cầm tay
 
Nghi lễ vẫn được tổ chức long trọng ngoài sân Đình 
Không khí hân hoan, sôi nổi và ngập tràn màu sắc của lễ hội
Ngoài ra, lễ hội còn tái hiện trận chiến thất bại của quan nhà Lý trước thủy quái
Hoạt cảnh chuyện chàng trai họ Hoàng chiến thắng loài thủy quái