Đầu giờ chiều nay, hàng vạn người nườm nượp đổ về Hà Nội sau kỳ nghĩ lễ 30/4 – 1/5 khiến các tuyến đường cửa ngõ thủ đô, các bến xe rơi vào tình trạng ách tắc. 

Tại bến xe Giáp Bát, lượng xe khách từ các tỉnh đổ về khá đông khiến tuyến đường luôn trong tình trạng quá tải. Khu vực đỗ trả khách, hàng trăm người chen chúc khuân vác đồ đạc. Để tránh tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài, ngay từ đầu cổng vào bến xe lực lượng bảo vệ bến, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tích cực đứng ra chỉ dẫn, phân luồng giao thông và xử lý những xe vi phạm.

xe-1.jpg
Khu vực đỗ trả khách, hàng trăm người chen chúc khuân vác đồ đạc.

Trên đường Phạm Hùng, ngay từ 13h chiều nay người và xe ùn ùn đổ về bến xe Mỹ Đình, khiến cửa ngõ ra vào không tránh khỏi bị ùn ứ. Nhiều ô tô, xe máy bóp còi inh ỏi, nhích từng chút một để thoát khỏi dòng người ngày một đông.

Thậm chí, trên các tuyến xe buýt, cảnh người dân chen lấn, xô đẩy tại các cửa lên, xuống khá phổ biến. Bên trong xe, người đứng, người vịn không còn chỗ trống. Tại điểm chờ xe buýt, dòng người đứng tràn xuống cả lề đường để khi thấy xe buýt là leo lên ngay. Nhiều tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... ngày thường vốn đã khá đông, thì trong dịp nghỉ lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn luôn phải chịu cảnh quá tải.

Bạn Lê Thúy Hằng (Sinh viên ĐH Điện lực) ngồi đợi tuyến xe buýt 32 Giáp Bát – Nhổn cho biết: “Xe trước đó đông quá, không còn chỗ đứng, nên em đành phải ngồi chờ xe sau. Ngày thường tuyến xe buýt này vốn đã đông, nên những ngày như thế này phải chen chân vì quá đông cũng là chuyện bình thường”.

Theo quan sát của phóng viên, những chuyến xe đường dài về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định… luôn chật cứng khách, bởi lượng hành khách quá đông, trong khi lượng xe lại quá ít khiến nhà xe tha hồ “chặt chém” hành khách. Dù phải bỏ giá vé cao hơn bình thường, nhưng hành khách vẫn phải chịu cảnh chen lấn, nhồi nhét, nhiều người không may đến sau còn phải đứng cả chặng đường.

Lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay, chị Nguyễn Thị Minh (quê ở Yên Định, Thanh Hóa), làm giúp việc cho một gia đình trên đường Kiều Mai – Cầu Diễn (Hà Nội) bức xúc: “Tôi đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội ngày thường vé chỉ có 80.000 đồng, nhưng hôm nay phải mua vé với giá lên tới 150.000 đồng. Mua giá đắt hơn nhưng được ngồi thoải mái thì còn đỡ, đằng này hai ghế mà có tới 3 người ngồi, nhồi nhét chật cứng khiến ai nấy đều mệt mỏi”.Về tình hình giá vé tại bến xe, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam cho biết để chuẩn bị cho đợt nghỉ lễ, trước đó đã có 7 đơn vị điều chỉnh giá vé tăng từ 6-30%. Tuy nhiên, theo ông Thành, dù có nhiều chính sách ưu đãi, song việc một vài doanh nghiệp tăng giá vé trong dịp này cũng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, việc nhà xe tăng giá thì bến cũng không thể can thiệp được.

Ngay từ đầu cổng vào bến xe Giáp Bát các lực lượng chức năng tích cực đứng ra chỉ dẫn, phân luồng giao thông và xử lý những xe vi phạm
Chen nhau chờ lấy hành lý 
Mỗi khi thấy xe khách dừng ở cổng bến, đội ngũ xe ôm lại lao vào chào mời
Mặc dù thời tiết không quá oi ả, song do phải di chuyển trên một chặng đường dài, lại phải chờ đợi quá lâu, chen chúc vất vả khiến mọi người đều mệt mỏi
Khu vực chờ xe buýt đông nghịt người
Chen chân ở cửa ra, vào xe buýt
Lỉnh kỉnh đồ đạc