Các thuốc nhuận tràng thường được dùng để điều trị táo bón và hỗ trợ làm tăng nhu động ruột trong một số bệnh lý. Trên thực tế có nhiều trường hợp đã dùng thuốc nhuận tràng cho mục đích giảm cân. Đây là giải pháp dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thuốc nhuận tràng: đa dạng và có nhiều chống chỉ định

Các thuốc nhuận tràng điều trị táo bón có nhiều loại khác nhau, được chia làm 5 loại chính:

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: làm tăng áp lực thẩm thấu và kéo theo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng lượng nước trong phân giúp bài tiết và tống xuất theo phân ra ngoài. Các thuốc này thường dùng làm sạch đại tràng để chuẩn bị soi đại tràng và điều trị táo bón mạn tính. Thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng, tắc ruột, ung thư trực tràng, mất nước, suy tim.

giam_can_heea.jpg
Sử dụng thường xuyên, lâu dài các thuốc nhuận tràng dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa (ảnh minh họa, nguồn: KT)

Chất xơ và chất nhầy: Loại này bao gồm sợi thức ăn hoặc chất nhầy lấy từ tảo biển, có tác dụng làm tăng thể tích phân và tăng độ ngấm nước, được dùng để trị các chứng táo bón vô căn. Chống chỉ định trong các trường hợp nghi tắc ruột cơ học, loét hành tá tràng, cắt đoạn dạ dày.

Thuốc làm trơn và mềm phân: thành phần dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước. Lưu ý, trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không dùng thuốc này trước khi đi ngủ để phòng dịch trào ngược vào đường hô hấp.

Các thuốc kích thích nhu động: đó là các acid ricinoleic, acid mật, dẫn xuất diphenylmethan, tác dụng qua nhiều cơ chế khác nhau, phần lớn chỉ hoạt động khi đến đại tràng, gia tăng sự tống phân bằng cách kích thích tiết prostaglandin nội sinh.

Thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ: gây kích thích phản xạ đại tiện, sử dụng để thụt tháo khi chuẩn bị nội soi đại trực tràng hoặc cho táo bón khi nằm lâu. Không được dùng kéo dài loại thuốc này.

Thuốc nhuận tràng có tác dụng giảm cân: sự thật hay hoang đường?

Loại thuốc nhuận tràng được những người dư thừa cân nặng uống để giảm cân chủ yếu là 2 loại: thuốc nhuận tràng thẩm thấu và các thuốc kích thích nhu động. Họ uống thuốc nhuận tràng sau bữa ăn tối và muốn loại bỏ tất cả những gì họ ăn một cách nhanh chóng. Sau đó, họ kiểm tra trọng lượng và thấy nhẹ cân hơn. Tuy nhiên, họ không dừng lại để suy nghĩ những gì thực sự xảy ra trong cơ thể.

Sự thật là khi thức ăn đến ruột già, cơ thể đã hấp thụ gần hết các dưỡng chất trong thực phẩm. Bởi vì sự hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra trong ruột non. Các khoáng chất còn lại, nước và chất bã sau đó được tới ruột già. Thuốc nhuận tràng làm việc trên ruột già. Nó ngăn chặn ruột già hấp thụ các khoáng chất cần thiết và nước. Mục đích của giảm cân là loại bỏ lượng calo dư thừa chứ không phải nước và khoáng chất nên thuốc nhuận tràng không nên dùng vào mục đích này.

Hội Rối loạn ăn uống quốc gia Mỹ cho biết, ảo tưởng về hiệu quả của thuốc nhuận tràng trong kiểm soát cân nặng là rất hoang đường. Ở thời điểm mà thuốc nhuận tràng phát huy tác dụng đào thải chất cặn bã thì phần lớn dưỡng chất và calo đã được hấp thụ, do đó hiện tượng được cho là giảm cân thực ra chỉ là mất các loại muối khoáng và nước, nó sẽ được bù lại khi uống nước.

Các tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc nhuận tràng là: đau bụng quặn thắt, tiêu chảy mạn tính, đầy hơi, buồn nôn, mất khả năng giữ nước, mất nước, ói mửa, làm suy yếu và làm mềm xương (loãng xương), chảy máu trực tràng. Một tác dụng phụ do dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên là làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong máu, nên lượng kali thấp và có thể dẫn đến các cơn đau tim.

Sử dụng thường xuyên, lâu dài các thuốc nhuận tràng dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa, không thể phục hồi. Người bệnh phải lệ thuộc thuốc, nếu không dùng thuốc sẽ mắc táo bón mạn tính nghiêm trọng và đau đớn trong thời gian dài. Kết quả là làm mất khoáng chất thiết yếu và chất béo của cơ thể dẫn đến xương yếu. Với trường hợp muốn giảm cân nhanh đã cố tình uống thuốc nhuận tràng liều cao và nhiều lần trong ngày thì lại càng nguy hiểm. Sử dụng những thuốc này ở liều cao hơn liều kê đơn, ngay cả khi chỉ một liều duy nhất cao hơn hoặc quá một liều mỗi ngày có thể dẫn tới mất nước nặng và tử vong.

Người trên 55 tuổi, bị mất nước, bị bệnh thận, tắc ruột hoặc đang dùng thuốc ảnh hưởng đến thận là nhóm có nguy cơ cao nhất khi dùng thuốc nhuận tràng ở liều quá cao. Khi sử dụng những thuốc này, cần chú ý đến mọi triệu chứng, bao gồm mất nước, khô miệng, choáng váng, lơ mơ. Rối loạn ở thận do thuốc nhuận tràng gây ra có thể làm giảm bài xuất nước tiểu và gây phù chân. Khi thấy những triệu chứng này xảy ra, bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt. Khi bị béo phì mà muốn giảm cân phải đi khám và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ./.