Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt tại khoảng 180 nước trên thế giới, kể cả một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia và liên tục xuất siêu. Nếu năm 2003 xuất khẩu rau quả mới đạt 105 triệu USD, thì đến năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.
Xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn
Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Ngoài những hạn chế về quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như chưa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, tổ chức thị trường kém...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra những yếu kém của ngành nông nghiệp: Chưa có chuỗi liên kết sâu, chưa xử lý được các bất cập về vật tư đầu vào, chất lượng nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu...
Hiện tính liên kết 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và đặc trưng của địa phương, làng, xã là tồn tại lớn nhất cần tháo gỡ.
Bên cạnh đó, khâu chế biến đang rất hạn chế, dẫn tới việc đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là phục vụ xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, vấn đề tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chưa tổ chức được thị trường trong nước...
Đồng quan điểm này, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lina Network khẳng định, dù nông nghiệp Việt Nam đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ thông qua nhiều chính sách, nhưng hiện nay chúng ta luôn rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và thường xuyên phải “giải cứu”.
Như vậy có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu xem thị trường cần gì để có giải pháp thích hợp.
Phải tìm ra được “át chủ bài”
Theo ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Nhưng vấn đề lớn nhất là phải tìm ra được “át chủ bài” cho nông nghiệp.
Trả lời cho câu hỏi đâu là “át chủ bài” trong phát triển nông sản Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng, “át chủ bài” trong nông nghiệp chính là công nghệ và thị trường.
Công nghệ chính là con "át chủ bài" cho ngành nông nghiệp. (Ảnh minh họa: KT). |
Ngoài ra, việc chọn thị trường làm mục tiêu, mới nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường xuất khẩu, không chỉ bán sản phẩm thô mà cần hướng tới sản phẩm chế biến nhằm giảm tính phụ thuộc vào thời vụ, từ đó tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam, tuy công nghệ không phải là quá khó nhưng để nông dân ứng dụng, cập nhật thường xuyên lại không đơn giản.
Trước thực trạng của nông nghiệp Việt Nam, ông Srikanth Mangalam, Chuyên gia của Công ty tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra khuyến nghị sử dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ... Việc kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm giúp người dân có thể tăng uy tín với ngân hàng, từ đó có thể vay được vốn nhiều hơn để đầu tư cho sản xuất.
Theo ông Srikanth Mangalam, công nghệ không phải lúc nào cũng là thách thức. Thách thức chính ở đây là nâng cao năng lực sẵn có. Chính phủ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích các đơn vị công - tư cùng tham gia, hoàn thiện hệ thống pháp lý. Bổ sung và điều chỉnh chính sách theo hướng thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, để công nghệ được ứng dụng rộng hơn./.Mô hình nông nghiệp sạch: Lúng túng tìm nơi tiêu thụ sản phẩm