Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Làng rau Trà Quế, thành phố Hội An là sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc của Quảng Nam gần 10 năm qua, với hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm đến tham quan, trải nghiệm.

du_lich_nong_nghiep_tytg.jpg
Du lịch sinh thái nông nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng. (Ảnh minh họa: KT).

Riêng năm 2017, Quảng Nam đón khoảng 300.000 khách du lịch nông nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, mặc dù đã có những bước phát triển tốt nhưng Quảng Nam chưa khai thác hết được tiềm năng thế mạnh của địa phương, chưa có nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

Thành phố Hội An hiện có 5 điểm du lịch nông nghiệp nhưng đã có 3 điểm trùng nhau là làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông, làng rau An Mỹ.

"Làng rau Trà Quế đã có hơn 10 năm rồi, nhưng việc đổi mới làng rau này vẫn chưa được quan tâm, đặc biệt là yếu tố ý nghĩa lịch sử của vùng đó", ông Lê Ngọc Tường cho biết.

Thực tế, du lịch sinh thái nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp tạo ra sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Nhiều khu du lịch sinh thái dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Du lịch nông nghiệp là các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, đầu tư vốn ít, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ. (Ảnh minh họa: KT).

Theo bà Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Trang trại Đồng quê Ba Vì, kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, tài nguyên du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn rất phong phú nhưng không thể phát triển ồ ạt, mà phải chọn lọc và đầu tư bài bản.

"Du lịch là một ngành công nghiệp nên quy trình rất quan trọng. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần dựa trên quy trình mới quản lý được. Chúng tôi đề nghị Tổng cục Du lịch tham mưu xây dựng những hệ thống tiêu chuẩn đó. Vì nếu không có hệ thống tiêu chuẩn các địa phương rất khó áp dụng", bà Ngô Kiều Oanh kiến nghị.

Hiện nay, việc xác định các sản phẩm chủ đạo, khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, tạo điểm nhấn của mỗi địa phương là hết sức quan trọng.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cũng cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa vụ, sản vật địa phương, mỗi làng một sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh quảng bá du lịch nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch nông nghiệp phải là các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, đầu tư vốn ít, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sản phẩm du lịch phải thực hiện trên cơ sở cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, được quản lý tốt.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn có tính hai mặt, khai tác tốt thì có hiệu quả, nếu khai thác một cách bừa bãi, không theo quy hoạch, định hướng rõ ràng thì dễ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu./.