Theo Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2021 ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD (giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020). Giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines trong tháng đầu năm 2021 sụt giảm mạnh 38% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo thứ 2 của Việt Nam, đạt 57.849 tấn, trị giá 30,13 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng đầu năm 2021, vẫn có nhiều đánh giá lạc quan về xuất khẩu gạo trong năm nay, hiện thị trường trường thế giới giá gạo cũng đang có xu hướng tăng.
Trên thế giới, giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng 1.
Theo đánh giá tại các tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... năng suất lúa vụ Đông Xuân năm nay sẽ đạt ở mức cao. Mặt khác, thị trường xuất khẩu lúa gạo đang có nhiều mặt thuận lợi nên giá lúa cũng theo đó mà tăng cao so với cùng kỳ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan./.