Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương thảo luận góp ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, sáng 26/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là phải tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát.

Trong năm 2012, lạm phát của Việt Nam đang ở mức 6,81%, Thủ tướng mong muốn lạm phát sẽ giảm xuống còn 6 – 6,5% trong năm 2003. Đồng thời mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 2012, tích cực đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Theo Thủ tướng, để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp, các ngành, các địa phương lập tức kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát ngay trong tháng 1/2013. Đặc biệt trong thời điểm Tết, các ngành, địa phương cần cung cấp đủ hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá, nhất là ở Hà Nội và TP HCM, phát huy tốt công tác kiểm soát và bình ổn giá, tránh đầu cơ đảm bảo cung cấp tốt hàng hóa cho địa phương và khu vực.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt việc cung ứng đảm bảo tiền tệ cân đối, giữ lãi suất phù hợp, bởi đây là trách nhiệm lớn của Thống đốc trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Năm 2012, ổn định tỷ giá đã giúp dự trữ ngoại tệ tăng từ khoảng 10 tỷ USD lên 24 tỷ USD (tương đương 12 tuần nhập khẩu). Thủ tướng yêu cầu trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cố gắng duy trì ổn định tỷ giá theo thị trường và tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý nợ xấu.

Riêng về biện pháp xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết, ngày mai (27/12) chính phủ sẽ thảo luận về đề án thành lập công ty quản lý và xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn của bất động sản, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, đây là cứu cánh trước mắt.

Về phương hướng thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2013, các cấp, các ngành cần hết sức tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên đầu tư nước ngoài có công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo sự chuyển dịch cơ cấu, chính sách thu hút đầu tư không thua kém các nước khác theo hướng cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu quá trình tái cơ cấu gắn với 3 khâu đột phá, tạo sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao hiệu quả đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết. Tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải theo hướng tập trung, kiểm soát, cơ cấu lại tổ chức lại nâng cao hiệu quả bằng phương án cổ phần hóa cũng như cơ cấu nhận sự./.