Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công yêu cầu xây dựng lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã được triển khai nghiên cứu trong nhiều năm, là vấn đề lớn, phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có mối quan hệ tổng thể với nhiều chính sách xã hội khác. Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã được thực hiện khá hài hòa; bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội có bước tiến dài; người có công được chăm lo tốt hơn.
Tuy nhiên, cải cách tiền lương theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra vẫn chưa thực hiện được. Lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh hàng năm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Mức lương cơ sở áp dụng đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện đã quá bất cập. Nhìn tổng thể, cải cách trong khối sự nghiệp công lập còn chậm. Vì vậy, việc tạo nguồn để cải cách tiền lương chưa có sự đột phá.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất về tiền lương đối với các doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần (Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối); nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý việc tuyển dụng, sử dụng lao động trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bảo đảm việc tuyển dụng, sử dụng lao động có hiệu quả.
Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ về đổi mới khu vực sự nghiệp công lập trên cơ sở chính sách khung đã được Chính phủ ban hành. Các Bộ nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế phù hợp với đặc điểm của ngành, lĩnh vực; phân loại các đơn vị sự nghiệp công làm cơ sở xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới.
Về ưu đãi người có công với cách mạng, trên cơ sở chính sách hiện hành, nghiên cứu điều chỉnh mức trợ cấp và một số chính sách liên quan phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước để đời sống của người có công được nâng cao hơn./.