Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Trung Quốc khiến việc xuất khẩu nhiều loại trái cây, nhất là việc thông qua cửa khẩu bị khó khăn. Từ đó dẫn đến giá trái cây sụt giảm trầm trọng, người bán thì nhiều, người mua thì ít do cung vượt cầu”, nhà vườn như ngồi trên đống lửa.
Trái thanh long tại huyện Chợ Gạo dội hàng, sụt giá. |
Hiện nay, đến huyện Chợ Gạo- vùng trồng cây thanh long chuyên canh của tỉnh Tiền Giang chúng tôi chứng kiến nhiều khu vườn trái thanh long chín đỏ rực nhưng không có người mua.
Ông Lê Văn Lập, chủ vườn thanh long ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, sau Tết cổ truyền, giá trái thanh long ruột đỏ giảm xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg, thay vì trước Tết trên 30.000 đồng/kg. Còn trái thanh long ruột trắng loại tốt chỉ ở mức 10.000 đồng/kg.
Nhiều thương lái chịu lỗ, bỏ tiền đặt cọc với nhà vườn vì phía doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngưng thu mua trước nguy cơ virus corona bùng phát. Đây không phải là lần đầu tiên trái thanh long Việt Nam bị dội hàng, ế ẩm do bế tắc đầu ra nên vấn đề nâng cao chất lượng đi đôi với đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm là điều mà nhà vườn và cơ quan nhà nước quan tâm.
Vườn thanh long ruột đỏ tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo chín đỏ nhưng chưa có người mua. |
“Tôi rất mong cấp trên xem lại thị trường xuất khẩu, không nên phụ thuộc thị trường một nước mà mở rộng đầu ra trái thanh long. Ví dụ bây giờ mình ngoại giao xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, Nhật… Thứ hai là làm sao quy hoạch vùng đừng để “cung vượt cầu”. Còn chất lượng thì bên nông nghiệp, khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho nông dân làm sao cho trái thanh long sạch để xuất khẩu bền vững”, ông Lập nêu ý kiến.
Không chỉ trái thanh long mà nhiều loại trái cây khác ở tỉnh Tiền Giang đang bị rớt giá thê thảm. Cụ thể như trái mít trước Tết giá từ hơn 40.000 đồng/kg nay giảm xuống còn 18.000 - 20.000 đồng/kg, bưởi da xanh giảm còn 25.000 - 30.000 đồng/kg… Đặc biệt trái sầu riêng, trước Tết cổ truyền giá trên 50.000 đồng/kg, nay rớt xuống còn hơn 20.000 đồng/kg, thậm chí nhiều vườn sầu riêng không có thương lái đến thu mua.
Trái mít sau Tết cổ truyền rớt giá hơn 50%. |
Trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang từ trước đến nay chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung quốc. Trước nguy cơ virus corona bùng phát, việc vận chuyển, mua bán trái cây này bị dậm chân tại chỗ. Hầu hết các kho sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đều đóng cửa vì doanh nghiệp ngưng thu mua.
Ông Ngô Tấn Lâm, một nhà vườn trồng cây sầu riêng cũng là chủ 2 kho sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy tâm tư: "Bây giờ nghe vụ dịch bệnh lây qua người, nhà kho của tôi đóng cửa không có ai đặt hàng hết, kể cả phía Trung Quốc không cho nhập, mà mình cũng không dám qua luôn".
"Sầu riêng hiện nay, trái chín đồng loạt trong vườn đó, nhà vườn bán nội địa được bao nhiêu thì được chứ không có thương lái đi mua. Kho bây giờ nằm chịu chết, đóng cửa luôn", ông Lâm cho biết thêm.
Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 80.000 ha vườn cây ăn trái cho sản lượng mỗi năm hơn 1,5 triệu tấn trái. Dù trái cây ế ẩm do xuất khẩu gặp khó, thu nhập giảm nhưng nhà vườn địa phương phải chấp nhận trong bối cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp.
Trước tình hình nhiều loại trái cây sụt giá, các ngành chức năng địa phương chưa có giải pháp nào khả thi để “giải cứu” cho nhà vườn, chủ yếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà vườn khắc phục khó khăn về điều kiện, kỹ thuật sản xuất, vận chuyển trái cây tiêu thụ nội địa.
Ngành chuyên môn khuyến cáo nhà vườn không nên xử lý cho cây ra hoa trái vụ trong thời điểm này, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây và trồng cây ăn quả đúng theo vùng quy hoạch, không nên chạy theo phong trào.
Kho sầu riêng của ông Ngô Tấn Lâm tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy đóng cửa vì thị trường trái cây này bị "đóng băng". |
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hội các Hợp tác xã Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, đã đến lúc trái cây Tiền Giang cũng như cả nước phải nâng cao về chất lượng, để đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu được sang các thị trường ”khó tính” như Châu Âu không nên tập trung vào một thị trường nhất định.
"Nông dân phải tổ chức lại sản xuất, phối hợp với chính quyền. Bên ngành nông nghiệp phải có cán bộ khoa học kỹ thuật đến hướng dẫn bà con sản xuất trái cây theo GAP, phải bao trái, quản lý sâu bệnh cho chặt chẽ để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Bây giờ trái cây Việt Nam rất nhiều, thị trường xuất khẩu rất cần mà chất lượng chưa đạt", ông Vinh cho hay.
Vấn đề tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng trái cây ở Tiền Giang cũng như một số địa phương trong cả nước đang đứng trước những khó khăn thách thức mà đã đến lúc nhà nông-nhà khoa học- nhà nước phải chung tay chia sẻ khó khăn và sớm có giải pháp khả thi, để đưa mặt hàng này vào “quỹ đạo” xuất khẩu ổn định, bền vững và có giá trị cao./.Lạng Sơn khuyến cáo tạm thời không đưa thêm hàng hoá lên biên mậu