Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có thông báo phản hồi thông tin về việc móng cột hộ lan thiếu kích thước, chất lượng bề mặt bê tông chưa được phẳng và vị trí cột lan can đặt lệch tâm so với móng của Dự án xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

hcm-longthanh9.jpg

Theo đó, đối với gói thầu số 3 do Nhà thầu Posco thi công, tư vấn giám sát là Nippon Koei (Nhật Bản), có một số vị trí Nhà thầu đã thi công trụ bằng đổ bê tông tại chỗ như đoạn Km14+900 – Km15+900 (khu vực cầu Ruột Ngựa) đã xảy ra hiện tượng một số móng cột chưa bảo đảm được theo kích thước của thiết kế, hiện VEC đã chỉ đạo Ban QLDA và TVGS kiểm tra toàn bộ tất cả các hạng mục nêu trên và khắc phục triệt để mới nghiệm thu chính thức.

“Qua rà soát, các cột hộ lan không đạt yêu cầu là các cột hộ lan đang gấp rút triển khai thi công và được thi công vào ban đêm có trị giá khoảng 240 triệu VNĐ, hiện chưa được kiểm tra nghiệm thu và thanh toán, do đó nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục và hoàn thành trước ngày thông xe 30/12/2013” – phía VEC khẳng định.

Riêng một số vị trí móng cột lan can sóng xuất hiện mối nối, mặt bê tông chưa được phẳng là do móng bê tông được đổ làm 2 lần, lần 1 được đổ trực tiếp xuống hố không có ván khuôn, lần 2 được đổ trực tiếp trong ván khuôn nên xuất hiện hình ảnh mối nối giữa hai lần đổ bê tông, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Một số vị trí cột lan can nằm lệch tâm là do trùng với cửa thu nước hoặc móng cột điện với khoảng cách lệch ít nên cho phép đặt lệch tâm (như nêu ở trên). Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng chung công trình và an toàn giao thông.

VEC cho rằng, trong hồ sơ thiết kế của dự án, hạng mục móng lan can tôn sóng được đổ bê tông C20 sâu 1,2 m. Trước khi thi công Nhà thầu đã lập bản vẽ thi công chi tiết và biện pháp thi công trình TVGS chấp thuận và Ban QLDA phê duyệt.

Biện pháp thi công được thực hiện đối với các gói thầu 1A, 1B, 2 và 9: toàn bộ số móng cột lan can tôn sóng được đúc sẵn trên bãi, sau khi đã được nghiệm thu đủ kích thước và chất lượng, nhà thầu tiến hành tạo lỗ và cẩu móng cột xuống hố, lấp đất đầm trả.

Đối với gói thầu số 3: Nhà thầu kiến nghị bổ sung phương án tạo lỗ và đổ bê tông trực tiếp ngoài hiện trường.

Theo đó, đối với móng ở lề đường: khoan lỗ tạo hố bằng máy khoan chuyên dụng đến cao độ thiết kế, tiến hành đặt thanh cột lan can và đổ bê tông móng cột.

Đối với móng ở giải phân cách giữa: tại các vị trí giải phân cách giữa đã được đổ đất trồng cây đến cao độ thiết kế được tiến hành thi công giống như móng ở lề đường. Tại các vị trí giải phân cách giữa chưa đổ đất trồng cây, biện pháp thi công đổ bê tông móng được chia làm 2 lần: Lần 1, phần dưới mặt đất được khoan tạo lỗ và đổ bê tông. Lần 2, phần phía trên (chưa đổ đất màu trồng cây) được lắp đặt ván khuôn và đổ bê tông đến cao độ thiết kế.

Tại một số vị trí cục bộ trùng với cửa thu nước hoặc móng cột điện..., vị trí móng được điều chỉnh cho phù hợp, nếu lệch ít có thể đặt thanh cột lan can lệch tâm so với móng, các vị trí này được Tư vấn giám sát (TVGS) xem xét và quyết định trực tiếp tại hiện trường.

Trong suốt thời gian làm việc, TVGS đã kiểm soát chặt chẽ việc thi công lan can tôn sóng, hầu hết lan can tôn sóng đều được đúc bệ và nghiệm thu xong trước khi được chôn xuống hố móng như các gói thầu 1A, 1B, 2 và 9 nên không có hiện tượng thiếu khối lượng.

Để làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng như các cơ quan thông tin đã nêu, VEC cho biết, đã yêu cầu giám đốc Ban QLDA, Tư vấn giám sát trưởng kiểm điểm trách nhiệm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo VEC trước ngày 26/12/2013./.