Xác nhận ban đầu cho biết có sự việc tiếp viên của hãng bị cơ quan chức năng Pháp tạm giữ song nguồn tin này cho biết Vietnam Airlines đang làm việc với phía bạn nên chưa thể đưa ra bất cứ thông tin nào cụ thể. “Vietnam Airlines đang làm việc với cơ quan có trách nhiệm của Pháp”, nguồn tin này nói ngắn gọn.
Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam (Hình minh họa) |
Cũng liên quan đến sự việc trên, chiều 27/2, ông Trịnh Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam nói với PV rằng ông chưa nắm được nội dung sự việc và sẽ cho kiểm tra ngay.
Chiều 28/2, một cán bộ của Cục Hàng không cho biết phía Vietnam Airlines vẫn chưa có báo cáo về sự việc. Tuy nhiên, người này cũng nói thêm rằng trường hợp Vietnam Airlines có báo cáo Cục thì đó cũng chỉ là nội bộ, còn việc thông tin là của doanh nghiệp.
Thông tin hai nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị tạm giữ tại Pháp để thẩm vấn do bị cáo buộc liên quan đến một vụ buôn bán dược phẩm về Việt Nam được báo Le Parisien dẫn lời cảnh sát.
Theo đó, hai tiếp viên bị bắt khi đang nhận một lượng lớn dược phẩm từ một phụ nữ người Việt ngay trước khách sạn nơi họ đang tạm trú.
Vietnam Airlines luôn cố gắng cải thiện hình ảnh và chất lượng dịch vụ tốt nhất. (Hình minh hoạ) |
Cảnh sát cũng tạm giữ và thẩm vấn chồng của người phụ nữ trên ngay bãi đậu xe của khách sạn. Ngay sau đó, nhà chức trách tiến hành khám xét khẩn cấp phòng ở của hai tiếp viên cũng như nhà ở của cặp vợ chồng tại thành phố Chessy, ngoại ô Paris.
Ước tính có khoảng 430 hiệu thuốc và 22 bác sỹ bị lừa trong vụ việc này, phần lớn ở Paris và vùng phụ cận. Khi tập hợp đủ lượng dược phẩm, cặp vợ chồng chuyển cho tiếp viên Vietnam Airlines để vận chuyển về Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiếp viên hãng Vietnam Airlines bị bắt ở nước ngoài. Tháng 3/2014, hãng tin Kyodo của Nhật dẫn lời cảnh sát Tokyo nói về vụ bắt giữ nữ tiếp viên 25 tuổi tên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines.
Theo tờ báo này, Nguyễn Bích Ngọc mang mã tiếp viên 35, bị bắt trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc tế Kansai, vào 9/2013 vì nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yen (khoảng 25,7 triệu đồng).
Tiếp viên Bích Ngọc, được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật tên là Nguyễn Thị Ngọc Nga (người cầm đầu một nhóm trộm cắp và buôn lậu) để buôn lậu quần áo ăn cắp, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay.
Tuy nhiên tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc đã phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra. Theo cảnh sát, cô Ngọc phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng cô không biết quần áo đã bị đánh cắp.
Trước đó, năm 2009, phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines bị tòa án ở Nhật phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm.
Ngoài ra, viên phi công này còn bị phạt 500.000 yen Nhật và bị trục xuất về Việt Nam vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam./.Những ưu đãi “khủng” dành cho tiếp viên hàng không Ả Rập