Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air vừa nhất trí về một đơn đặt hàng tạm thời đặt mua tới 92 máy bay Airbus, với tổng trị giá 9 tỷ USD theo giá niêm yết vào ngày 25/9. Đây được xem là một nỗ lực mới của hãng này nhằm mở rộng hoạt động trong bối cảnh thị trường hàng không của khu vực tăng trưởng mạnh.
viet-jet-e.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đứng, trái) và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault (đứng, phải) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Giám đốc điều hành VietJet Air Lưu Đức Khánh (ngồi, thứ hai từ trái sang) và Giám đốc phụ trách hợp đồng và đàm phán của Airbus, ông Christophe Mourey (ngồi, thứ hai từ phải sang) tại Paris ngày 25/9/2013  (Ảnh: Reuters)
Theo tin từ Reuters, VietJet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ mua chủ yếu máy bay A320 và dự kiến ngân sách dành cho việc mua máy bay này sẽ lấy từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đang được lên kế hoạch, cũng như vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài được đảm bảo bằng tín dụng xuất khẩu.
Thỏa thuận này của VietJet là đơn đặt hàng “khủng” mới nhất từ các nhà bay giá rẻ ở châu Á dành cho máy bay Airbus hoặc Boeing. Tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng ngày càng phát triển trong khu vực đang đẩy các dự báo về số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao.
Tuyên bố về thỏa thuận giữa VietJet và Airbus được phát đi từ Paris vào ngày 25/9, Reuters cho hay.
Trong số 92 máy bay mà VietJet dự kiến mua từ Airbus, 62 chiếc sẽ chắc chắn được mua, còn lại là những chiếc máy bay mà VietJet có quyền mua với ngày giao hàng chưa xác định. Hãng này dự kiến sẽ thuê thêm 8 máy bay Airbus nữa.
Giám đốc điều hành VietJet Air, ông Lưu Đức Khánh, còn cho biết, hãng này dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hoặc Singapore vào năm 2015 để có ngân sách cho việc mở rộng hoạt động ra thị trường bên ngoài Việt Nam.
“Thỏa thuận này là một dấu mốc của công ty chúng tôi, cho thấy mục tiêu của chúng tôi là trở thành một hãng bay giá rẻ đa quốc gia”, ông Khánh nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại. “Mục tiêu của VietJet Air là mở rộng ra thị trường khu vực chứ không chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Bởi vậy, chúng tôi cần niêm yết ở thị rường nước ngoài để huy động nhiều vốn hơn”.
Bắt đầu bay từ tháng 12/2011, VietJet Air hiện có 9 máy bay. Theo dự kiến, hãng sẽ có thêm máy bay thứ 10 vào tuần tới. Ngoài các tuyến nội địa, VietJet hiện chỉ có một điểm đến quốc tế duy nhất là Bangkok.
Đơn đặt hàng máy bay Airbus của VietJet Air là một phần trong gói thỏa thuận kinh tế được ký kế nhân chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hai bên đi tới thỏa thuận này sau những cuộc đàm phán kéo dài. “Chúng tôi đã đàm phán gần như cả đêm”, ông Khánh cho biết.
Khi được chính thức hóa, thỏa thuận sẽ bao gồm đơn đặt mua chắc chắn 42 máy bay A320neo, phiên bản tiết kiệm nhiên liệu của A320 - dòng sản phẩm bán chạy nhất của Airbus; cùng 14 chiếc A320, và 6 chiếc A321. Hai chiếc máy bay đầu tiên trong thỏa thuận sẽ được giao hàng vào quý 4/2014. Tiếp đó, mỗi năm sẽ có thêm 5-10 chiếc được giao hàng cho tới năm 2022.
Theo giới chuyên gia, VietJet đang muốn đi theo hướng đi của các hãng bay giá rẻ khổng lồ như AirAsia của Malaysia và Lion Air của Indonesia. Các hãng này đều đã ký những đơn đặt mua máy bay lớn kỷ lục.
Sau thỏa thuận với VietJet, giá cổ phiếu của tập đoàn EADS, hãng mẹ của Airbus, đã tăng 1,2%, bất chấp thị trường châu Âu giảm điểm. Một số nguồn tin cho biết, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã thể hiện sự quan tâm tới loại máy bay siêu lớn A380 của Airbus.
Theo ông Lưu Đức Khánh, VietJet đang đàm phán với một hãng hàng không ở Myanmar về khả năng thành lập liên doanh tương tự như thỏa thuận hồi tháng 6 với hãng KanAir của Thái Lan để thành lập hãng bay Thai VietJet Air vào đầu năm sau. Hiện Myamar có 7 hãng hàng không đang hoạt động, nhưng ông Khánh không nói rõ VietJet định liên doanh với hãng nào.
Phát biểu trước báo giới ở Paris, ông Lưu Đức Khánh cho biết, VietJet cũng quan tâm tới việc thiết lập dịch vụ giá rẻ đầu tiên giữa Việt Nam tới các thị trường ở khu vực Đông Bắc Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ông Khánh, VietJet sẽ theo đuổi chiến lược liên minh để hỗ trợ việc phát triển ra thị trường quốc tế và mở ra những thị trường mới. Ông cũng nói rằng, VietJet đã làm ăn có lãi trong 7 tháng đầu năm nay./.