Hôm nay (4/9), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2013 - 2014 của 148 nền kinh tế, trong đó xếp hạng Việt Nam ở vị trí 70.

Theo báo cáo này, xếp hạng của mỗi nền kinh tế được WEF dựa vào 3 yếu tố quan trọng, gồm: Các yêu cầu cơ bản của nền kinh tế, hiệu quả nâng cao và cải cách.

Xếp hạng của Việt Nam tăng lên chủ yếu nhờ môi trường vĩ mô được cải thiện, lạm phát quay trở lại mức một con số trong năm 2012; chất lượng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng về năng lượng được cải thiện (tăng 13 bậc).

Về mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa cũng tăng hạng (tăng 17 bậc), do các rào cản thương mại cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) được công bố từ năm 1979, sử dụng 70% dữ liệu từ Khảo sát Ý kiến Lãnh đạo với các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới. 30% còn lại lấy từ số liệu thống kê. GCR xếp hạng các quốc gia dựa trên 114 tiêu chí, được chia thành 12 cột trụ, như cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường hay phát triển thị trường tài chính.

Bên cạnh các yếu tố giúp tăng hạng cho Việt Nam, còn một số yếu tố cấu thành trong nền kinh tế còn kém cạnh tranh đã đẩy xếp hạng chung của kinh tế Việt Nam xuống thấp. Đó là công nghệ (vị trí 102); cơ sở hạ tầng (vị trí 82); cải cách kinh tế (vị trí 76); phát triển thị trường tài chính (vị trí 93); môi trường kinh tế vĩ mô (vị trí 87)…

Mặc dù so với báo cáo năm 2012, Việt Nam tăng lên 5 bậc, nhưng so với năm 2011, Việt Nam vẫn giảm 5 bậc.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam vẫn kém cạnh tranh hơn các nền kinh tế khác là Malaysia (24), Brunei (26), Thái Lan (37), Indonesia (38), Philippines (59) và chỉ xếp trên Lào (81), Campuchia (88), Myanmar (139).

Trong khi đó, Singapore ở vị trí thứ 2, nằm trong nhóm 10 nền kinh tế dẫn đầu gồm Thụy Sĩ, Phần Lan, Đức, Mỹ, Thụy Điển, Hồng Kông, Hà Lan, Nhật Bản và Anh.