Kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu do EuroCham thực hiện vào tháng 8 năm 2013 được công bố ngày 27/8 cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn không thay đổi so với quý trước – duy trì ở mức trung bình.
Theo EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu tham gia vào cuộc khảo sát này thể hiện sự lo ngại gia tăng về tình hình kinh doanh hiện tại, sự lo ngại về mức độ lạm phát tăng và triển vọng của nền kinh tế vĩ mô xét về tổng thể tại Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về tương lai, triển vọng kinh tế được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện với lượng phản hồi tích cực tăng lên 51% so với mức 43% của quý trước và 30% của quý trước nữa. Đây là một sự minh chứng rõ ràng cho việc các doanh nghiệp hội viên của EuroCham cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam và điều này liên hệ mạnh mẽ đến hy vọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh từ kết quả của phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam tại WTO trong tháng 9 tới và lòng tin vào một hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam mạnh mẽ, khả thi trong tương lai.
Khi được hỏi về số lượng đơn hàng và mức doanh thu mong đợi về mặt trung hạn thì câu trả lời tiếp tục có xu hướng tích cực. Trong khi số doanh nghiệp cho rằng sẽ có sự sụt giảm trong doanh thu duy trì ở mức 17%, số doanh nghiệp hy vọng doanh thu tăng tiếp tục được cải thiện từ mức 53% đến 61%. Đây là một sự cải thiện đáng kể và đã quay lại cùng mức năm trước.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các hội viên doanh nghiệp EuroCham đều lo ngại về lạm phát quay trở lại với 43% phản hồi cho rằng lạm phát có tác động đáng kể thậm chí là đe dọa đến công việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên, so với mức 49% của năm ngoái thì đã có sự cải thiện.
Đặc biệt, khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, có tới 80% phản hồi chưa cân nhắc việc chuyển dịch kinh doanh, cho thấy phần lớn các doanh nghiệp hội viên vẫn trung thành với thị trường Việt Nam về mặt dài hạn.
Tuy vậy, theo Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund, chỉ số môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng và duy trì ở mức trung bình là điều đáng suy ngẫm. Và con số 20% doanh nghiệp phản hồi họ nhận thấy các thị trường ASEAN khác là những điểm đến kinh doanh tốt hơn và tiềm năng hơn không phải là không đáng lo ngại. “Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện các vấn đề cơ cấu cơ bản của nền kinh tế cũng như đảm bảo một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi”- ông Preben Hjortlund nói./.