Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng. Diễn đàn kéo dài đến ngày 30/11. Ngay trong phiên khai mạc, các đại biểu đã nhấn mạnh về sự cần thiết và tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh.
Chuyển đổi năng lượng cho sản xuất
Tại diễn đàn, đại diện EuroCham Việt Nam cho rằng: Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực để hướng tới nền kinh tế xanh. Minh chứng cho điều này là chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về giảm khi thải carbon. Chương trình này đã được các bộ, ban ngành trung ương, các tỉnh thành, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và người dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang từng bước ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế xanh, đang chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và sẽ dừng sử dụng năng lượng than đá. Việt Nam đang xây dựng chương trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 và cũng đang phát triển mạnh mẽ điện gió.
Ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị: “Để thực hiện thành công chương trình này, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn vốn ưu đãi. Nhất là hỗ trợ kết thúc sớm vòng đời các dự án nhiệt điện than, khơi thông và thu hút các nguồn tài chính từ khu vực công tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư hạ tầng điện gió, các nguồn năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải điện cũng như công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng”.
Phát triển kinh tế xanh dựa vào tri thức và công nghệ
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam rất cần sự chia sẻ và hợp tác của các nước trong chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, trong đó sẽ định hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế xanh cần dựa vào tri thức và công nghệ.
“Tôi cũng đề nghị chúng ta cần phải có cơ chế về khoa học công nghệ. Đây cũng là chìa khoá, là giải pháp, là cách thức để chúng ta đẩy nhanh việc thực hiện. Không cần phải chờ đến 2050, nếu có công nghệ xanh, công nghệ tái tạo thì chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhanh được quá trình chuyển đổi năng lượng và chắc chắn rằng chúng ta sẽ đem lại lợi ích cho toàn cầu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Việt Nam là nước dễ bị tác động nhất do biến đổi khí hậu nên cần có chính sách chính sách thay đổi về sản xuất để thích ứng với sự biến đổi này, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm… Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi chiến lược quốc gia. Trong đó, việc bảo vệ rừng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để phát triển bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng./.