Đây là thông tin trong bài báo đăng trên chuyên trang Economic Times của tờ India Times (Ấn Độ). Theo tác giả của bài báo, hiện nay, trong khi vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là vấn đề biển Đông đang thu hút sự chú ý trong và ngoài khu vực, một số nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý đến sự tăng trưởng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là kêu gọi đầu tư nước nước ngoài vào trong nước, Việt Nam đã lên tiếng mời gọi các Nhà đầu tư Ấn Độ trong Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10/2014).
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,62% trong 9 tháng đầu năm 2014. Thành tựu tăng trưởng kinh tế này chủ yếu do đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, một trong các lĩnh vực quan trọng đối với đầu tư nước ngoài, chiến khoảng 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, các lĩnh vực như dệt may, hoá chất, nông sản, nghề cá.v.v. là các lĩnh vực mà Việt Nam đang kêu gọi các Nhà đầu tư từ Ấn Độ.
Việt Nam cũng đang kêu gọi các Nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới mà các doanh nghiệp Ấn Độ có lợi thế như lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng, công nghệ thông tin, giáo dục, nghiên cứu dược (Theo các nguồn tin chính thức).
Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều Ấn-Việt đạt 8 tỉ USD trong năm tài khoá 2013-2014 và hai nước đã đặt mục tiêu đạt 15 tỉ USD trước năm 2020. Hai nước cũng đang nỗ lực đàm phán, tiến tới ký Hiệp định ưu đãi thương mại nhằm giảm thiểu hàng rào thuế quan.
Hiện nay, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tập đoàn Samsung đã cam kết đầu tư gần 8 tỉ USD vào Việt Nam, trong khi Tập đoàn Lotte Mart cũng có hoạch tăng gấp đôi các Trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực bất động sản đang đứng thứ 2 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiến khoảng 11%, tương đương khoảng 1,2 tỉ USD.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trong danh sách 05 thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009. Trong 4 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thành công chính sách quản lý kinh tế vĩ mô nhằm ổn định nền kinh tế, giúp giữ vững mức tăng trưởng 5-6%/năm, thu hút 23 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2013, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những địa chỉ hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong khối các nước ASEAN. Việt Nam cũng là một trong 3 nhà xuất khẩu trong khối ASEAN lớn nhất sang Mỹ, chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu của ASEAN sang thị trường Mỹ và nếu vẫn giữ vững xu hướng này, đến năm 2020, Việt Nam sẽ chiếm khoảng 30% thị phần các nước trên./.