Sau động thái cắt giảm lãi suất 0,25% của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED), nhiều quốc gia đã đồng loạt tham gia vào cuộc đua này, đó là Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Ukraine, Sri Lanka, Chile, Nam Phi… Các chuyên gia kinh tế dự đoán, tới đây, danh sách các nước cắt giảm lãi suấtsẽ còn dài ra và sẽ giảm sâu thêm nhiều lần nữa.
“Cơn sốt” cắt giảm lãi suất này cũng đã lan tới Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/8, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm 0,5% lãi suất cho các “lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp”.
Việt Nam cũng đang theo lộ trình giảm lãi suất với các quốc gia trên thế giới. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín, chính sách tiền tệ của các nước đang theo xu hướng mở rộng, đầu tiên là việc FED đã giảm lãi suất 0,25%. Mỗi nước có điều kiện kinh tế khác nhau, chính sách tiền tệ khác nhau nhưng có một lộ trình chung đó là, trước khi FED giảm lãi suất thì ngân hàng ACB đã dự kiến, sẽ giảm lãi suất xuống dưới 0%, tương tự, các ngân hàng Nhật Bản, Trung Quốc và các ngân hàng ở châu Âu cũng vậy.
Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chủ trương định hướng của Nhà nước, của NHNN là sẽ nỗ lực để ổn định lãi suất và tích cực hơn nữa là giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ là động thái nhỏ theo lộ trình chung của chính sách tiền tệ các nước để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi thực tế mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã nhích lên so với thời điểm năm ngoái.
Theo ông Tín, hiện nay, nhiều ngân hàng đang “chạy đua” trong việc tăng lãi suất huy động lên mức khoảng 9%, điều nãy đã tạo lực đẩy khiến lãi suất cho vay tăng lên.
Định hướng trong năm nay cũng như các năm sau vẫn là tiếp tục ổn định và giảm lãi suất. Theo đó, sẽ theo lộ trình chính sách tiền tệ các nước là giảm lãi suất, đồng thời giúp cho mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.
Ông Tín tính toán, nếu vay vốn kinh doanh với lãi suất hiện nay từ 10-12%/năm thì sẽ tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp đạt lợi nhuận từ 15-17% trên dòng vốn thì đã khá tốt rồi, còn nếu chỉ đạt 15%, trừ đi lãi suất vay 10%, mức lãi thu về còn có 5%, đây là con số thấp. Do đó nếu lãi suất tiếp tục giảm thì sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, thời gian tới, nếu ổn định được mức lãi suất như hiện nay đã là một thành công lớn. Thực tế, từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất chung rất khó giảm. Lý do là các ngân hàng đang cạnh tranh đối với các kỳ trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ ngắn hạn cho trung và dài hạn, theo lộ trình sẽ giảm từ 40% xuống 30%. Nếu tính đến vấn đề cạnh tranh, hội nhập thì các ngân hàng nhỏ lẻ sẽ rất khó huy động vốn thị trường, từ đó đẩy lãi suất huy động lên cao.
“Nếu lãi suất huy động không giảm thì lãi suất cho vay sẽ rất khó giảm. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, có quan hệ vay vốn lâu năm với ngân hàng, có khả năng trả nợ tốt… thì sẽ được ngân hàng “ưu ái” và hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất cho vay một chút”, ông Tín cho hay.
Theo đại diện NHNN, FED giảm lãi suất là một cơ hội cho Việt Nam giảm lãi suất và ổn định tỉ giá. Trước mắt, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, đồng thời theo dõi diễn biến thị trường, nhất là cung cầu về vốn, tính thanh khoản của từng ngân hàng thương mại… Khi có điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ cân đối để "bơm" thêm tiền thông qua thị trường liên ngân hàng nhằm giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng thương mại, kéo lãi suất tiết kiệm và cho vay giảm đại trà./.
Quyết định của Chủ tịch FED khiến các thị trường chao đảo