Mới đây, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Yoshihisa Maruta cho biết, TMV đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam, chỉ nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Bởi theo lộ trình, đến 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ còn 0%.

Trước thông tin này, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng, tuyên bố của TMV là vấn đề rất đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô bởi, không chỉ ở lĩnh vực ô tô, mà cả các ngành nghề khác.

“Nếu chúng ta không có chính sách tốt, khi thực hiện các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp FDI có khả năng chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp, sản xuất sẽ rất lớn. Điều này sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội xây dựng nền công nghiệp của nhiều lĩnh vực”, GS.TS. Mại nói.

in_dggn.jpgTMV đang cân nhắc ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam. (Ảnh: KT)
Tuy nhiên, theo phân tích của GS.TS Nguyễn Mại, TMV là một doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và lắp ráp ô tô. Do đó sẽ không có chuyện khi thích là ngưng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu đơn thuần. Hoặc nếu doanh nghiệp này nếu muốn nhập khẩu đơn thuần thì sẽ không được hưởng các ưu đãi hiện có.

Liên quan đến thông tin này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, dưới góc độ quản lý nhà nước, cần sự hỗ trợ đầu tư, quản lý đầu tư để doanh nghiệp đầu từ nước ngoài đi đúng hành lang pháp lý.

Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đến nay hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại, như công nghệ tiên tiến còn ít, doanh nghiệp FDI chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tập trung ở các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ... đều cần vốn lớn nhưng mức độ lan tỏa công nghệ thấp. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào ở các địa phương có lợi thế về hạ tầng và nhân lực, nhưng lại chiếm thế độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực.

Ái ngại cho công nghiệp ôtô trong nước

Không chỉ đến bây giờ, vài năm trở lại đây, đã không ít lần đại diện các tập đoàn ôtô úp mở về khả năng rút nhà máy khỏi Việt Nam. Và có lẽ, Toyota đang cân nhắc sẽ là hãng sản xuất xe sau cùng rút nhà máy khỏi Việt Nam.

Trong khi đó, từ cuối tháng 8/2014, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố chiến lược và quy hoạch cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới. Bộ Công Thương cam kết thời điểm chậm nhất đến cuối tháng 11/2014 sẽ hoàn thành các cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp ôtô.

Nhưng đã qua gần nửa năm, những cơ chế, chính sách ấy vẫn chưa được thống nhất ban hành. Thậm chí lộ trình cho chính sách thuế liên quan đến ôtô còn chưa ngã ngũ.

Trong khi các hãng xe cần nhất chính là sự ổn định, những lộ trình cụ thể của chính sách thì sự chậm chạp này đã khiến các doanh nghiệp vẫn chưa biết rõ mình được hỗ trợ gì, được tạo cơ chế ra sao để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Và cũng chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0%; mà gần nhất là sang năm 2016, mức thuế suất đối với xe nguyên chiếc dành cho khu vực này sẽ giảm xuống còn 40%.

Trước hạn chót 3 năm, những biến động trên thị trường ôtô đã kịp chỉ ra rất rõ về sức ép hội nhập. Suốt từ đầu năm 2014 đến nay, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc liên tiếp tăng hơn gấp đôi cả về lượng lẫn giá trị khi so sánh cùng kỳ./.