Trao đổi với phóng viên VOV, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, với 64,11 điểm, năm 2019, Điện Biên xếp thứ 44 trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc, đạt kế hoạch của tỉnh đề ra là nằm trong nhóm xếp hạng PCI từ 40 - 45 của cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, chỉ số PCI của Điện Biên vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số khá của cả nước và xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Nhiều chỉ số thành phần được cải thiện đáng kể như: tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; đào tạo lao động và chỉ số về thiết chế pháp lý, an ninh trật tự...
Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc từng bước thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Năm 2020, theo kết quả công bố của VCCI mới đây, chỉ số PCI tỉnh Điện Biên đạt 62,62 điểm, xếp thứ 46 trên bảng xếp hạng chung của cả nước (giảm 2 bậc) và xếp thứ 8/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc (giảm 1 bậc).
Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, mặc dù có giảm về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng chung của cả nước, nhưng so với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhất là khu vực phía Tây Bắc thì chỉ số PCI năm 2020 của Điện Biên vẫn ở mức tương đối khả quan. Về 10 chỉ số thành phần thì có 4 chỉ số có điểm số tăng so với năm trước là: chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh. Đây là những chỉ số rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi khi những chỉ số này được cải thiện, chứng tỏ môi trường kinh doanh của tỉnh đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Việc PCI của tỉnh năm 2020 bị giảm 2 bậc và nhiều chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế an ninh, trật tự… cũng bị giảm điểm có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Điển hình nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp không ít khó khăn; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 còn chậm và chưa giải quyết đáng kể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; một số nội dung ảnh hưởng bởi sự thay đổi các quy định của pháp luật, nên bị kéo dài thời gian giải quyết...
Cũng theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, trong 3 tỉnh khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) thì Điện Biên vẫn là tỉnh có chỉ số PCI cao nhất trong năm 2020 (Sơn La xếp thứ 55 và Lai Châu xếp thứ 57). Riêng tỉnh Lai Châu đã cho thấy sự bứt phá quyết liệt, khi từ vị trí cuối bảng năm 2019 vươn lên xếp thứ 57 năm 2020, tăng 4 bậc. Đây là điều tất yếu, bởi các địa phương đều luôn nỗ lực thu hẹp khoảng cách về chỉ số PCI của mình với các địa phương khác.
Trong thời gian tới đây, tỉnh Điện Biên sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần, từ đó tìm ra nguyên nhân và đề ra các nhóm giải pháp khắc phục. Trong đó, sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực... Đặc biệt là sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện chính quyền điện tử trong xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới/.