Không rõ ràng, vay mượn ngầm sẽ phát triển
Trong dự thảo sửa đổi bổ sung luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu (VCSH). Cụ thể, sẽ bổ sung quy định không tính vào chi phí được khấu trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần VCSH đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất và vượt quá 4 lần với các lĩnh vực còn lại.
Đối với lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng (NH) thì được áp dụng tỷ lệ cao hơn là không quá 12 lần. Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí lãi vay nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp (DN) và của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.

102359-1.jpg

Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu 

Ví dụ, hiện nay nếu DN có 1 tỉ đồng vốn và đi vay 10 tỉ đồng, toàn bộ lãi vay của số tiền này đều được khấu trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế. Nhưng nếu quy định trên được ban hành, DN sản xuất chỉ được khấu trừ thuế cho số lãi của khoản vay 5 tỉ đồng, khoản lãi vay của 5 tỉ đồng còn lại phải đóng thuế.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn, cho biết trên thực tế, hiếm có DN nào vay quá 4 - 5 lần VCSH vì các NH trước khi cho vay đều đã thẩm định tình hình tài chính của DN. Nếu DN có 1 đồng tiền vốn thì tối đa cũng chỉ cho vay thêm 1 đồng. Những DN nào được vay gấp 4 - 5 lần VCSH là trường hợp cá biệt. Vậy liệu quy định này có cần thiết?
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, khẳng định trung bình tỷ lệ nợ trên vốn chỉ ở mức đến hơn 2 lần là tối đa.
Nhưng thực tế có nhiều DN phát sinh chi phí lãi vay không phải từ các NH hay tổ chức tài chính mà từ cá nhân hoặc vay mượn giữa các DN khác. Điều này dẫn đến câu chuyện chuyển lãi vay từ cá nhân sang DN, đặc biệt từ cá nhân các chủ DN tư nhân hoặc chuyển lãi vay từ công ty này sang công ty khác.
Từ đó dẫn đến việc chuyển lỗ, chuyển giá của nhiều DN. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng Bộ Tài chính cần lắng nghe thêm ý kiến của các DN để quy định một tỷ lệ xác định chi phí lãi vay hợp lý. Hoặc thay vào đó quy định không hạn chế số tiền lãi của DN đối với các khoản vay từ hệ thống tín dụng và NH nhưng không cho khấu trừ chi phí chịu thuế với phần lãi vay từ các cá nhân và tổ chức khác.
“Nếu không có những quy định rõ ràng thì hoạt động của hệ thống NH ngầm sẽ phát triển và làm tê liệt hệ thống tài chính NH của nền kinh tế”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, phân tích thêm: Theo thống kê bình quân các DN niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam hiện nay thì hệ số nợ (vốn vay/VCSH) không lớn hơn 1. “Không một ông chủ nợ bình thường nào dám cho DN vay lên hơn con số đó. Nếu có thì giữa ông chủ nợ và DN đang có mối quan hệ đặc biệt", ông Thuận nói.
Từ 10 triệu đồng phải chuyển khoản mới được trừ thuế
Tương tự, đề nghị sửa đổi điều kiện để được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 10 triệu đồng trở lên, thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay, cũng bị phản đối. Theo lý giải của Bộ Tài chính, điều này thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua NH, góp phần chống rửa tiền.
Giám đốc một công ty phân phối hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh tại TP HCM cho biết, mỗi tháng công ty chịu chi phí hơn 3 triệu đồng để chuyển khoản thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Nếu hóa đơn thanh toán từ 20 triệu đồng hiện nay xuống 10 triệu đồng phải thanh toán qua NH thì DN sẽ phải chi nhiều hơn để chuyển tiền.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: Việc siết lại hạn mức thanh toán tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống 10 triệu đồng sẽ làm DN thêm khó khăn mà không giải quyết được vấn đề chống gian lận.
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Công ty luật IPIC, nói thẳng quy định số tiền phải thanh toán qua NH 20 triệu đồng hay 10 triệu đồng mới được xem là chi phí của DN là điều hết sức vô lý.
Hơn nữa, việc áp đặt DN phải thanh toán hàng hóa dịch vụ qua NH mới được khấu trừ thuế là một biện pháp hành chính. Các công ty Việt Nam hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nếu phát sinh thêm việc thì phải thêm chi phí cho nhân sự kế toán bên cạnh chi phí chuyển khoản nhiều hơn. Những khoản thanh toán có giá trị lớn phải thông qua NH mang lại lợi ích cho DN thì chắc chắn họ sẽ thực hiện.
“Những khoản thanh toán nhỏ nên để DN tự quyết định phương thức thanh toán sao cho thuận tiện nhất. Luật nên trao quyền tự chịu trách nhiệm cho DN chứ không nên áp đặt, dùng biện pháp hành chính”, luật sư Nguyễn Duy Hùng nói./.