Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương Việt Nam), đến nay, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thực hiện được 19 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán nhóm. 12 quốc gia tham gia TPP đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số lĩnh vực mang tính kỹ thuật, không quá nhạy cảm như hợp tác và xây dựng năng lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh thuần túy…. Mục tiêu ban đầu mà các nước đặt ra là quyết tâm kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013 nhưng thực tế, khối lượng các vấn đề còn lại rất nhiều và phức tạp.
Nếu TPP được ký kết, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức gì cần vượt qua để có thể giành lợi ích thiết thực? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn InvestConsult Group chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh.
TPP là “cái mấu” để Việt Nam leo núi trở thành nền kinh tế tiên tiến
PV: Thưa ông, sau khi Hiệp định TPP được ký kết, dự báo nó có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Bạt:Cũng giống như tất cả các Hiệp định Thương mại tự do khác, nó ảnh hưởng một cách khá toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam. Có lẽ giới ảnh hưởng nhất, trước hết đối với hệ điều hành của nền kinh tế là các thể chế kinh tế.
Các thể chế và các chính sách kinh tế chắc chắn sẽ có thay đổi, vì Chính phủ Việt Nam ý thức rất rõ về vai trò của các Hiệp định Thương mại tự do kiểu TPP như thế này liên quan đến việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ và Nhà nước ta ý thức rất rõ, đây là những “cái mấu” để Việt Nam leo núi trong quá trình phấn đấu trở thành một quốc gia có nền kinh tế tiên tiến.
Tất nhiên, mỗi hiệp định có đặc thù riêng, và các hiệp định góp phần làm cho các thể chế kinh tế của Việt Nam từng trải hơn để ứng phó với các tình huống và các đòi hỏi của các thị trường chung.
Cùng với đó, lực lượng quan trọng là các doanh nghiệp sẽ bị giám sát bởi các quy định của các Hiệp định kinh tế. Chẳng hạn, WTO làm cho chúng ta va chạm với rất nhiều những hàng rào kỹ thuật, ví dụ như vấn đề về thuế chống bán phá giá, vệ sinh thực phẩm...
Tôi nghĩ rằng thương nhân Việt Nam sẽ từng trải hơn khi họ buộc phải thỏa mãn các đòi hỏi và quen dần với hệ điều hành có chất lượng quốc tế.
Một ảnh hưởng quan trọng nữa của TPP là người mua Việt Nam có thể được tiếp cận với các hàng hóa có chất lượng cao và có nhiều đảm bảo. Tất cả những rắc rối hiện chúng ta gặp phải trong vấn đề vệ sinh thực phẩm thì với Hiệp định kiểu này sẽ khiến chúng ta tiếp xúc với hàng hóa đi qua các hàng rào kỹ thuật, đi qua các kiểm soát kỹ thuật. Vì các thương nhân của các nước khác họ không dám bán hoặc chuyển đến chúng ta những hàng hóa chất lượng thấp hoặc vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh, thậm chí vi phạm cả những tiêu chuẩn tinh thần như ăn cắp bản quyền, ăn cắp kiểu dáng.
Tất cả những thứ vi phạm như vậy, kể từ đạo đức cho đến chất lượng đều bị kiểm soát, do đó người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận với lớp sản phẩm có chất lượng tốt hơn; và dần dần sự thông thái của người tiêu dùng tăng lên.
Vào TPP, phải bỏ kiểu kinh doanh láu tôm, láu cá
PV: Theo ông, để có thể tự tin tham gia TPP và gặt hái thành quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những yếu tố cơ bản nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Các Hiệp định thương mại là những trận đồ rất khủng khiếp, ở đó, nếu thất bại thì sự thất thiệt rất lớn. Các hiệp định kiểu này là “bộ quy tắc ứng xử trong các không gian kinh tế quốc tế”. Đây là bộ quy tắc hết sức khốc liệt, thậm chí nó điều chỉnh cả thái độ hay cả các mặt chính trị khác trong từng nước tham gia. Cho nên, nó không hề lãng mạn tí nào, đây là một trận đánh hết sức nghiêm túc.
Những nhà điều hành xí nghiệp của Việt Nam quen lao động, quen kinh doanh trong một môi trường mà người ta giấu lỗ và phí. Chưa thể nói một cách tích cực về năng lực của các nhà kinh doanh của chúng ta, đặc biệt là giá thành sản phẩm của chúng ta chưa có khả năng cạnh tranh.
Đôi khi để cạnh tranh về kinh tế người ta lại làm giảm chất lượng sản phẩm. Bản chất của các cuộc cạnh tranh là co kéo giữa chất lượng và giá thành, chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý mâu thuẫn giữa chất lượng và giá thành, chưa có kinh nghiệm về việc xử lý thật sự quá trình cạnh tranh. Chúng ta chỉ mới cạnh tranh với nhau, bằng các quan hệ gắn bó của mình với một số thế lực. Chúng ta chưa biết nâng cao chất lượng kinh doanh và tạo sự thuận lợi của chính kinh doanh hay sản xuất bằng kỹ năng, trí tuệ, sáng tạo khoa học.
Tham gia TPP, mọi sự láu tôm láu cá đều không có ý nghĩa, bởi Hiệp định thông thái đến mức mọi láu tôm láu cá kiểu chúng ta có ở trong nước là không giấu được. Vậy làm thế nào để thay thế sự láu tôm láu cá đang có ở trong nước này bằng trí tuệ thật sự của các nhà kinh doanh, các nhà sản xuất, các nhà điều hành? Đây là một vấn đề khổng lồ.
Lao động phải có lương cao để đóng thuế
PV: Thưa ông, điểm nhấn quan trọng của TPP đang được bàn thảo nhiều là vấn đề giảm thuế, có tới 90% thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên sẽ được cắt giảm về 0% vào năm 2015 nếu Hiệp định được ký kết trong năm nay. Vậy khi đó dự báo dòng chảy hàng hóa từ Việt Nam đi các nước và các nước khác vào Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đây là một vấn đề khổng lồ, hay nói cách khác, ngoài những khía cạnh chính trị, về kinh tế là vấn đề trung tâm của bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào. Đây là vấn đề về cân bằng lợi ích quốc gia.
Tham gia TPP là chúng ta phải hạ thuế xuất nhập khẩu, trước đây chúng ta có thuế xuất và thuế nhập, thuế nhập để đánh vào người bán hàng vào mình. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng thuế nhập đôi khi còn đánh cả đến những người nhập nguyên liệu vào để chuẩn bị sản xuất của Việt Nam. Thuế xuất hàng hóa của chúng ta xuất đi, hàng hóa của các công ty liên doanh, các công ty nước ngoài có mặt ở Việt Nam xuất đi. Tất cả những cái này sẽ trở nên không đáng kể nữa đối với nguồn thu ngân sách.
Khi giảm thuế, việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là ngân sách của Chính phủ Việt Nam có gặp vấn đề gì không. Khi thuế không còn là nguồn thu nữa thì cái gì thay thế? Ở phương Tây, người ta thay thế thuế này bằng thuế thu nhập cá nhân, mà muốn thuế thu nhập cá nhân mà đủ để thay thế thuế xuất nhập khẩu như thế này thì chúng ta phải phấn đấu để lao động có lương cao để đóng thuế.
Lao động chúng ta mà không có lương cao đủ để đóng thuế thì thuế này không thay thế thuế kia được. Muốn người lao động có lương cao, phải có một nền sản xuất có năng suất và được quản lý rất chặt chẽ để chi phí phụ cho khâu sản xuất giảm xuống mới có điều kiện để nâng chi phí tiền lương.
Tôi thấy hầu hết hàng hóa ở phương Tây chi phí tiền lương chiếm vào khoảng 40 – 50% cơ cấu giá thành xuất xưởng của một sản phẩm. Chính phủ các nước chủ yếu họ thu thuế nhập cá nhân là chính. Cho nên mới có chuyện ông tỷ phú Buffet nói là suất đóng thuế của tôi thấp hơn người giúp việc của tôi. Tức là các nền kinh tế phát triển người ta muốn cho nhà kinh doanh càng ít thuế càng tốt để họ dồn sức vào đầu tư để làm cho sản xuất của họ tăng trưởng lên.
Đây là cả một vấn đề mà chắc là Bộ Công Thương phải có một chương trình đàm phán rất kỹ trên tất cả các loại mặt hàng, không phải chỉ là những mặt hàng của chúng ta.
Bây giờ làm thế nào để sau khi tham gia TPP, Chính phủ Việt Nam buộc phải có một tái cơ cấu chế độ tiền lương trong các xí nghiệp sản xuất. Nếu không, không có gì để thay thế các thuế mà chúng ta đã buộc phải miễn hoặc giảm theo các tinh thần của Hiệp định thương mại tự do.
Làm như thế sẽ có một ý nghĩa rất lớn là làm cho con người ở các quốc gia trong không gian kinh tế TPP có một sự bình đẳng, tức là mức sống dần dần giống nhau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!