Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến đến giai đoạn đàm phán then chốt với gần 20 lĩnh vực xếp vào loại phức tạp về mặt kỹ thuật và nhạy cảm trong việc mở cửa thị trường. Các nước tham gia đàm phán TPP đã thực hiện được 19 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán song phương, đàm phán nhóm.

Đến hiện tại, 12 quốc gia tham gia đàm phán đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số lĩnh vực mang tính kỹ thuật và không quá nhạy cảm.

Trước đó, mục tiêu ban đầu các nước đặt ra là quyết tâm kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013 nhưng khối lượng các vấn đề đặt lên bàn đàm phán nhiều và phức tạp. Bản thân các Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán cũng đã vào cuộc với 5 phiên gặp gỡ, đàm phán nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp cuối cùng mà tất cả các bên đều đồng thuận.

Kỳ vọng kết thúc đàm phán ngay trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng không đạt được và được xác định ngay sau Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP tổ chức tại Singapore vào tháng 5/2014.

Tuy các mốc đặt ra lần lượt đi qua mà Hiệp định chưa được ký kết nhưng các nước tham gia TPP đều có chung quan điểm không hoán đổi chất lượng của TPP để lấy thời hạn kết thúc đàm phán.

Gần đây nhất, vào ngày 30/6 tại Tokyo, Nhật Bản và Mỹ đã nối lại cuộc đàm phán song phương giữa hai bên để thu hẹp các bất đồng giữa hai bên trước khi tham dự vòng đàm phán cùng 10 nước còn lại tại Canada dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.

Phải nói thêm rằng, Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất này đã là một trở ngại lớn cho việc kết thúc đàm phàn và đi đến thoả thuận cuối cùng.

Sau khi được ký kết, TTP sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với quy mô 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.