Chốt phiên tuần từ 3-8/6, giá vàng SJC mua – bán tại TP HCM lúc 11h30 ngày 8/6 ở mức 40,57-40,77 triệu đồng/lượng; còn tại Hà Nội 40,57-40,79 triệu đồng/lượng. Mức giá bán ra này chỉ tăng 20.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên buổi sáng; nhưng giá mua vào đã tăng 120.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán lúc chốt tuần là 200.000 đồng/lượng.
Cả tuần giảm 330.000 đồng/lượng
Nhìn lại cả tuần qua, giá vàng SJC đã giảm 330.000 đồng/lượng. Cụ thể, giá mở cửa phiên giao dịch của tuần, công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết là 40,90-41,05 triệu đồng/lượng mua – bán tại TP HCM. Mức giá này đã tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào, và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước đó ở mức 40,80 – 41,00 triệu đồng/lượng.
Các ngày tiếp theo trong tuần, giá vàng SJC bán ra cũng chỉ dao động trong ngưỡng từ 40,9 triệu đồng/lượng đến 41,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào trong tuần qua quanh mốc 40,9 triệu đồng/lượng các ngày 3 và 4/6, còn ngày 5/6 giảm về 40,89 triệu đồng/lượng lúc đầu giờ sáng. Các thời điểm khác, giá mua vào vẫn chủ yếu quanh 40,7 triệu đồng/lượng.
Cá biệt có thời điểm 10h00 sáng 6/6, giá mua vào giảm sâu xuống 40,68 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra vẫn quanh 41,0 triệu đồng/lượng và giá thấp nhất chiều mua vào là lúc 8h00 sáng 8/6 chỉ 40,45 triệu đồng/lượng.
Điểm gây chú ý mạnh nhất trong tuần qua là mức chênh giá mua – bán vàng SJC liên tục thay đổi, có lúc 10h00 ngày 6/6 chênh tới 300.000 đồng/lượng, còn lại liên tục thay đổi trong khoảng từ 120.000 đến 200.000 đồng/lượng.
So sánh giá bán ra thời điểm cao nhất trong tuần đã lên tới 41,1 triệu đồng/lượng, còn thời điểm chốt tuần là 40,77 triệu đồng/lượng, thì giá vàng SJC đã giảm 330.000 đồng/lượng cho cả tuần. Còn nếu đối chiếu giá đầu tuần và cuối tuần thì giảm 280.000 đồng/lượng.
Chênh giá vàng SJC và vàng thế giới vẫn tới 5,7 triệu đồng/lượng
Trên thị trường thế giới, giá vàng đầu tuần mở cửa phiên ở mức 1.394 USD/oz, tăng 6 USD so với phiên cuối tuần trước đó tại 1.388 USD/oz. Các ngày tiếp theo trong tuần, vàng thế giới đã có lúc tăng mạnh lên tới 1.414 USD/oz, mức giá cao nhất kể từ ngày 15/5. Tuy nhiên, mốc này không duy trì được lâu. Và đến chốt phiên cuối tuần sáng nay lại lùi về 1.383 USD/oz, thấp hơn cả giá chốt tuần trước đó 5 USD.
Sự biến động giá vàng thế giới cả tuần qua chủ yếu bị chi phối bởi giá chứng khoán Mỹ và đồng USD giảm giá, sau báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày 3/6, cho thấy chỉ số sản xuất ISM tháng 5 giảm tháng thứ 3 liên tiếp, từ 50,7% tháng 4 xuống còn 49,0% trong tháng 5. Đây là mức thấp nhất gần 4 năm, kể từ tháng 6/2009, thúc đẩy nhà đầu tư cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì tốc độ của kích thích kinh tế.
Chỉ số Dollar Index, thước đo của đồng tiền Mỹ so với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,8% còn 82,681, mức thấp nhất trong ba tuần ghi nhận sự suy giảm lớn nhất của đồng USD kể từ ngày 10/1. Giá vàng còn giảm do lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng gói nới lỏng tiền tệ.
Giá vàng thế giới không có tăng đột biến tuần qua, giá quy đổi ra tiền Việt chủ yếu vẫn trong khoảng 35,3 triệu đồng/lượng đến 35,82 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức chênh với giá vàng SJC trong nước vẫn ở mức cao, với dao động từ 5,13 triệu đồng/lượng đến 5,73 triệu đồng/lượng.
NHNN đấu thầu vàng miếng vẫn... bén giọt
Một trong những điểm đáng chú ý nữa của tuần qua là các phiên đấu thầu vàng miếng SJC do NHNN tổ chức, với lượng vàng bán ra vẫn khá cao.
Cụ thể, cả tuần qua, NHNN tổ chức đấu thầu 3 phiên (các phiên lần thứ 26, 27, 28), với tổng số vàng chào bán 78.000 lượng vàng. Qua 3 phiên, NHNN đã bán được 77.500 lượng vàng. Trong đó, phiên ngày 6/6 đã bán được 100% lượng vàng chào ra. Các phiên ngày 7/6 và 4/6 chỉ ế lần lượt là 300 và 200 lượng vàng.
Từ ngày 28/3/2013 đến nay, NHNN đã tổ chức 28 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 709.800 lượng trên tổng số 796.000 lượng chào thầu.
Bên cạnh đó, ngay từ ngày đầu tuần qua, thông tin cũng đáng chú ý là bài viết của Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Sanjay Kalra liên quan đến thị trường vàng tại Việt Nam. Trong bài viết này, cán bộ IMF cho rằng việc Chính phủ yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động và cho vay bằng vàng là có hiệu quả trong việc thúc đẩy hơn nữa ổn định khu vực tài chính. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã tăng sau năm 2012, nhưng mức độ biến động của giá vàng trong nước đã giảm đáng kể.
Hơn nữa, sự biến động của ngoại hối và vàng đã đặt bảng cân đối của các ngân hàng Việt Nam vào tình trạng rủi ro thông qua một vài kênh, bao gồm cả rủi ro tín dụng và thanh khoản. Đồng thời, trong suốt giai đoạn 2011-2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp liên quan đến thị trường vàng. Các biện pháp này bắt đầu từ tháng 4/2011 bằng việc chấm dứt cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng.
Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng tất toán các khoản tiền gửi bằng vàng của mình. NHNN bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng từ ngày 28/3 để giảm bớt mất cân đối cung cầu. Nhìn chung, các biện pháp đã thực hiện của Chính phủ Việt Nam được thúc đẩy bởi một số yếu tố nhằm nâng cao khả năng vận hành của thị trường.